Bạn đã biết ngành dệt may và thời trang hoạt động như thế nào chưa?

Tất tần tật những kiến thức về ngành dệt may và ngành thời trang sẽ được tổng hợp trong bài viết này.

Ngày đăng: 13.08.2019, lúc 14:24 14.126 lượt xem

Intro

Vào thời đại 4.0, nhà nhà đổ xô đi học công nghê, người người đi làm Data Science. Có người thì thấy ngành này mới lạ và hay ho. Tất nhiên có người đam mê môn dữ liệu này nhưng cũng có thể loại vì tiền.

Trong không khí hỗn loạn của những con số, khói bụi nhà máy và những tiếng bô nổ của phố phường, các store thời trang vẫn mọc lên hàng ngày như Ananas, Wephobia, D.Chic và Coolmate.

Họ tuy nhỏ bé trước những tụi khổng lồ nước ngoài, thị phần chỉ vài % nhưng cũng đủ đút túi vài tỷ 1 tháng.

Có người nghĩ thời trang là marketing, quảng cáo, là cái đẹp và là sự sáng tạo. Đúng là như vậy nhưng còn thiếu rất nhiều.

“Ngành thời trang" là 1 ngành kinh doanh, đẻ ra tiền tỷ, bạn mở cửa hàng nhỏ thì tìm nguồn cung ứng, quảng cáo local. Bạn mở 1 chuỗi thì phải tính toán ngang dọc, trên dưới, thức đêm thức ôm, quản lý 1 đống người. Còn thương hiệu tỷ đô thì bao gồm cả mưu mô, thủ đoạn và thậm chí là mạng người như bao ngành khác.

Nói quá vậy thôi chứ mục tiêu bài này tôi muốn hỏi bạn 1 câu: bạn có muốn tham gia vào ngành này không, hay đơn giản bạn muốn biết thêm về ngành may mặc?

Tôi sẽ đi qua từng bước từng bước 1, từ những khái niệm cơ bản nhất cho đến những mô hình kinh doanh phức tạp, bạn cố gắng theo dõi nhé.

Phần I. Định nghĩa trong ngành dệt

Khi bạn muốn dân thân vào ngành may mặc/ thời trang, sẽ có ti tỉ thứ để học và để nhớ. Bạn sẽ không biết bắt đầu từ đâu vậy thì nên biết 1 số khái niệm trước nhé.

1.      Ply

Trong quá trình thu hoạch bông vải, chúng được đóng lại dưới dạng những kiện bông thô chứ các sợi bông có kích thước khác nhau cùng với các tạp chất tự nhiên như hạt, bụi, đất,..

Sau đó nguyên liệu bông thô được đánh tung và làm sạch. Các sợi bông được kéo sợi thô để tăng kích thước và độ bền và đánh thành từng sợi. Và đó là ply, loại sợi cơ bản nhất cấu thành nên vải.

Ngoài ra, ply còn có nghĩa là lớp, ý chỉ số lượng các sợi con để tạo ra một sợi lớn hơn. Ví dụ: 2-ply yarn, 2-ply thread được hiểu là loại sợi này được tạo thành từ việc xe xoắn hai sợi con. Số lượng ply sẽ quyết định đến độ bền chắc và khả năng giãn đứt của vải.

2.      Yarn

Yarn được gọi là sợi con. Nó được hình thành bằng việc xe xoắn các sợi ply với nhau. Có ba loại yarn được sử dụng phổ biến trong ngành dệt may, đó là 1-ply yarn, 2-ply yarn, 3-ply yarn.

ngành dệt may

Ba loại yarn này đều có những đặc trưng riêng biệt. Càng nhiều ply thì sợi vải càng chắc chắn và khó bị đứt gãy trong quá trình sử dụng hay kéo giãn. Tuy nhiên nếu bạn muốn một trang phục có trọng lượng nhẹ thì không nên chọn những yarn có nhiều ply.

3.      Thread

Thread là loại sợi được hình thành từ việc xoắn từ hai sợi yarn trở nên. Trong khi yarn chủ yến dùng để đan hoặc dệt, thì thread là loại sợi cơ bản để dệt thành các loại vải. Chúng có độ dài và độ chắc chắn tốt hơn yarn.

Các nhà sản xuất thường sử dụng  hai loại là 1-ply thread và 2-ply thread. Và chúng cũng có những đặc điểm tương tự ba loại sợi yarn. Càng nhiều lớp càng chắc chắn, tuy nhiên chúng lại có trọng lượng khá nặng.

4.      Warp và Weft

Hay còn gọi là Vertical và Horizontal. Là những thuật ngữ tiếng Anh để chỉ sợi dọc và sợi ngang trong quá trình dệt hay khi quan sát một tấm vải.

ngành dệt may

Phần II. Điều gì quyết định đến độ mềm mịn và độ bền của sợi vải

1.      Thread count

Thread count là số lượng sợi trên 1 inch vải. Số lượng sợi được tính trên tổng những sợi ngang (weft) và sợi dọc (warp).

Ví dụ 75 sợi dọc và 75 sợi ngang sẽ tạo nên loại vải với 150 thread count.

Số lượng sợi trên 1 inch vải càng lớn thì vải càng dày dặn, chắc chắn và có độ mềm mịn cao. Thông thường thread count luôn được các nhà sản xuất để ở mức từ 200 đến 800. Đôi khi bạn cũng có thể thấy thread count ở mức 1000 hoặc hơn.

Tuy nhiên không phải lúc nào số lượng sợi càng cao thì chất lượng vải sẽ tốt.  Có những thủ thuật để làm tăng số lượng sợi vải nhưng lại không khiến vải trở nên tốt hơn, thậm chí còn ảnh hưởng xấu đến chất lượng vải.

2.      Ply of thread

Một điều hiển nhiên rằng càng nhiều ply thì sợi thread càng chắc chắn và có độ bền cao. Hãy tưởng tượng 1-ply thread là một cô nàng xinh đẹp nhưng cô độc. Một mình cô ấy phải chống lại những tác động từ bên ngoài. Nhưng nếu có thêm một số chị em nữa ở bên cạnh, cô nàng đó sẽ có sức chịu đựng và co giãn tốt.

Tuy nhiên, với cùng một thread count, 1-ply thread sẽ mang đến một cảm giác mượt mà hơn và tinh tế hơn cho từng thớ vải.

3.      Kích thước sợi yarn

Sợi yarn càng có kích thước nhỏ (càng mảnh) thì thread càng mịn. Và khi thread càng mịn, người ta càng có khả năng xử lí co rút chúng tối đa để tăng số lượng thread trên một inch. Điều này cho phép tạo ra những tấm vải mịn, nhẹ và mềm mại.

Phần III. Quy trình thiết kế

1.      Lấy cảm hứng và sự quan trọng của cảm xúc trong sản phẩm

-       Thiết kế là ngành sáng tạo, truyền tải cảm xúc, và xây dựng lên những tác phẩm mới gây ấn tượng người dùng.

-       Khi khách hàng dùng sản phẩm của bạn và đơn giản chỉ làm họ đẹp hơn, khác biệt hơn so với đồng nghiệp, bạn bè. Hoặc, khi dùng sản phẩm của bạn, họ thấy được nâng giá trị thì chắc chắn họ sẽ quay lại + giới thiệu bạn bè mua hàng của bạn, thậm chí còn chịu chi trả giá cao hơn giá trị thật của đơn hàng.

=>>> Ví dụ, BMW làm người ta liên tưởng tới nhà giàu + doanh nhân thành đạt, LV/Gucci là hàng sang, giá mắc, có nhiều fan cuồng và chỉ con nhà giàu mới dám mua.

Thương hiệu LV

Sản phẩm mới không chỉ là khác biệt mà nó còn cho con người ta cảm xúc và giá trị nghệ thuật. Các bạn có để ý thấy concept ảnh của các hãng luxury luôn khó hiểu và trừu tượng như tranh Van Gogh nhưng lại có sự sang trọng, bí ẩn và cuốn hút ma mị. Còn Vans thì rõ ràng là thời trang cho thể thao đường phố/skate board.

=>>>Những cảm xúc này thường là những cảm xúc tích cực, hưng phấn và có xu hướng muốn khoe ra, chia sẻ, và bàn luận về nó.

--------------------

-       Nếu bạn thiết kế ra 1 sản phẩm/tác phẩm cũ, chán, ít sáng tạo, ít khác biệt thì bạn sẽ tạo ra cảm xúc tiêu cực cho người dùng.

-       Chỉ ví dụ ngay như bạn thôi, nếu bạn có cảm xúc tiêu cực thì cả ngày bạn sẽ ủ rũ, và chẳng muốn làm gì. Thiết kế sản phẩm mà người dùng trải nghiệm như vậy thì gần như thật bại. 

=>>>Không ai nói chuyện về thiết kế, không ai bàn luận về nó và họ chỉ muốn quên nó đi. Tất nhiên sản phẩm tồi thì không đến nỗi như tôi nói, nhưng để bạn hình dung rõ hơn tầm quan trọng của nó.

------------------

-       Để có được cảm hứng, tác giả cần cảm xúc. Vậy cảm xúc lấy từ đâu? Từ bất cứ thứ gì trên đời, xe cộ, cái chết, kẹo cao xu, vỏ cây, chiến tranh,.. đủ cả.

ngành dệt may

-       Trước khi nhà thiết kế bắt tay làm việc, họ sẽ thu thập một đống thứ (tác phẩm khác, tranh vẽ, màu,...) để tạo một không gian gì đó mà tôi cũng không rõ. Không gian này khích thích sự sáng tạo của họ để sản xuất ra những ý tưởng hay ho thậm chí điên rồ.

-       Bản thân dân thiết kế cũng có cái não phải to hơn người, lại còn thêm thời gian dài luyện tập nên cảm hứng với họ là chuyện cơm bữa.

-       Note: con người bản chất trí nhớ kém, nói tiêu cực thì là vô ơn/ quên nhanh, tích cực thì là dễ tính/ dễ dãi. Đâm ra 1 số thiết kế cũ sau cả chục năm lại thành trend.

2.      Doing research

quần áo nam

-       Đọc qua thì thấy não phải quan trọng để thiết kế tốt đúng không? Nhưng não trái - sự logic có sức trọng gần như tương đương.

-       Một tác phẩm thành công luôn có 1 cái cơ sở vững chắc. Đó là dữ liệu và sự nghiên cứu.

-       Bạn cứ tưởng tượng, nghiên cứu nó như cái gốc vậy, còn hoa lá cành mọc sao tuỳ nó đóng vai trò là sự sáng tạo. Gốc đóng vai trò logic thì xù xì và có phần đơn giản, nhưng có cái gốc khoẻ thì hoa lá mới tốt tươi, có cái tướng đẹp, sống được lâu và bán được cả tỷ đồng.

-       Vì vậy dữ liệu + nghiên cứu trong thiết kế để làm gì? 1 phần để lấy cảm hứng, phần sau là để tạo không gian cảm xúc, phần sau nữa là để sản phẩm mình tránh giống đồ cũ.

-       Nghiên cứu tạo cho mình 1 cái cơ sở, để cây hoa lá vươn ra rộng thêm, chứ không phải quay lại đâm vào gốc.

3.      Test

quần áo

-       Thế nhưng mà trời sinh não người bé bằng cái mũ bảo hiểm, tính người thì cứng đầu khó bảo dễ sai sót.

=>>> Nói chung để thiết kế 1 mình thì ít khi ra được sản phẩm tốt, vì vậy:

-       1 nhà thiết kế nghĩ ra 10 sp thì chắc chỉ 1 sp bán 1tr bản, 1 sản phẩm bán 3k bản, và còn lại là “đống rác”

-       May sao 1 số người thông minh nghĩ ra trò làm việc nhóm để giảm thiểu rủi ro.

-       1 nhóm các nhà thiết kế sẽ ngồi với nhau thảo luận về các concept đưa ra, giả định các trường hợp rủi ro xảy ra với concept đó.

-       Sau đó họ làm sản phẩm mẫu để thử nghiệm trong trường hợp thực tế: sản phẩm dễ rách nếu chạy nhảy không, sản phẩm dễ thấm mồ hôi không, hay có ấm khi về đông.

Phần IV. Chọn vải – Cách loại vải cotton

1.      100% Cotton

Loại vải này mang tất cả những ưu và nhược điểm của cotton. Thông thoáng mềm mịn và thấm hút cao, tuy nhiên tuy nhiên chúng rất nhanh nhàu. Và giá thành thì không hề rẻ. Do đó, thường vải cotton sẽ có pha thêm một số nguyên liệu nhất định.

2.      Heather CVC

CVC là từ viết tắt của Chief Value Cotton, tức loại vải này có  nhiều nguyên liệu pha trộn nhưng thành phần chiếm tỉ lệ nhiều nhất là cotton. Với loại Heather CVC, thành phần gồm 52% cotton và 48% poly. Chất lượng và giá thành mà loại vải này nhanh chóng được ưa chuộng trên thế giới. Bởi poly khiến vải trở nên tinh tế và đẹp mắt, trong khi cotton mang lại sự mềm mịn và thoải mái.

3.      CVC (cotton 65/35)

Một tỉ lệ pha trộn phổ biến khác của CVC là 65% cotton và 35% poly. Chúng mang đầy đủ những ưu điểm nổi trội của Heather CVC. Tuy nhiên, do tỉ lệ cotton khá cao nên giá thành chưa phù hợp với hầu hết mọi  người.

4.      Tixi (cotton 35/65 hay vải TC)

Vẫn là sự pha trộn giữ cotton và poly, song với TC, giá thành không quá cao nên vải được sử dụng khá phổ biến. Thêm vào đó, tỉ lệ này khiến vải vừa có sự mềm mại, lại vừa có độ “đứng” thích hợp.

5.      Tri-blend

Đúng như tên gọi, chúng gồm 3 thành phần chính: 50% poly, 25% cotton và 25% rayon. Nếu như 100% cotton là loại vải tốt, CVC tốt hơn thì Tri-blend là loại vải tốt nhất. Với một chiếc áo thun, bạn sẽ cảm nhận sự thoải mái của cotton, độ bền của poly và sự sang trọng của Rayon. Và nếu bạn đang sở hữu nó trên tay, chắc chắn bạn sẽ phải đồng ý với điều này.

6.      Slub

Khi mới xuất hiện, loại vải này được coi là một sản phẩm lỗi trong ngành dệt may. Tuy nhiên, dần dần chúng khẳng định vị thế về tính thẩm mĩ của mình và được nhiều người ưa chuộng. Thành phần bao gồm 50% poly, 37,5% cotton và 12,5% rayon, Slub tự hào có bề mặt không bằng phẳng. Chính điều đó là một điểm nhấn nổi bật giữa sự trơn tru và đồng đều của những sợi vải nhân tạo.

7.      Marble

Marble cũng là một trong những loại vải được ưa chuộng nhiều trên thế giới. Vải gồm 91% poly và 9% cotton, do đó nó mang lại sự mềm mịn và thoáng mát cho người sử dụng. Đây là loại vải rất thích hợp cho những áo thun graphic.

8.      Flowly-Poly Viscose

Loại vải này bao gồm 65% polyeste và 35% rayon (viscose). Viscose, hay có tên gọi khác là rayon,  là một loại vải được sản xuất hoàn toàn từ thiên nhiên với thành phần chủ yếu là bột gỗ. Loại vải này tạo độ thông thoáng tương tự như cotton, nhưng mang đến sự mềm mịn và bóng mượt của vải lụa. Tuy nhiên, loại vải này có độ bền khá thấp, đặc biệt là khi bị ướt.

Do đó, khi viscose được pha trộn cùng poly sẽ giúp khắc phục nhược điểm của viscose. Điều này tạo ra một loại vải vừa mang vẻ bóng mượt sang trọng của vải lụa lại vừa có độ bền cao và khó giãn đứt. Do đó, Flowly-Poly Viscose luôn được nhiều người lựa chọn cho bộ trang phục của mình.

Phần V. Cách dệt

1.      Công nghệ dệt

Trên thế giới có rất nhiều công nghệ dệt khác nhau. Tuy nhiên ở Việt Nam chỉ phổ biến hai kiểu công nghệ dệt, đó là dệt 2 chiều và dệt 4 chiều.

Ngoài ra, các hãng thời trang lớn thường  sở hữu những phòng R&D mạnh nên khó có thể biết những công nghệ sản xuất mà họ sử dụng. Mặc dù nhà máy sản xuất được đặt chủ yếu tại Trung Quốc và Việt Nam, các hãng luôn chú trọng về vấn đề an ninh để tránh đánh cắp bản quyền và giữ kín bí mật kinh doanh.

·         Dệt 2 chiều

Công nghệ dệt này mang đến sự co giãn cho tấm vải, tuy nhiên vải chỉ có thể co dãn về hai chiều trong cùng một hướng. Với công nghệ dệt này, vải sẽ mang đến sự thoải mái, thoáng mát cho người sử dụng. Tuy nhiên chúng không cung cấp độ co giãn siêu cao, do đó không thích hợp với những sản phẩm thời trang dành cho thể thao, năng động.

Vải co giãn 2 chiều không có được độ đàn hồi giống như vải co giãn 4 chiều. Chúng rất khó để trở nên trạng thái ban đầu sau khi đã bị kéo dãn. Do đó nếu vải không có khả năng giữ form dáng tốt, trang phục của bạn sẽ bị giãn và trở nên rộng hơn sau một thời gian sử dụng.

·         Dệt 4 chiều

Vải dệt 4 chiều có thể co giãn theo cả hai hướng. Ví dụ: nếu vải 2 chiều có thể kéo dãn về hai bên phải và trái thì vải 4 chiều có thể co dãn về bên phải, trái và bên trên, bên dưới. Do đó, loại vải này có sự co giãn tối đa, tạo sự thoải mái nhất cho người sử dụng. Công nghệ dệt này thích hợp với những trang phục có dáng ôm slim fit hay những trang phục thể thao.

2.      Kĩ thuật dệt

Ngành công nghiệp dệt may đã phát triển từ rất lâu. Do đó, con người đã sáng tạo ra rất nhiểu những kiểu dệt khác nhau. Tuy nhiên, sẽ có một số kiểu dệt cơ bản và chủ yếu được con người sử dụng.

2.1.   Dệt trơn (Plain weave)

Đây là kiểu dệt đơn giản nhất. Tuy nhiên chúng mang lại độ bền chắc cao bằng cách dệt đan xen các sợi ngang và sợi dọc với nhau.

dệt trơn

2.2.   Dệt thoi (Rib weave)

Đây là một loại biến thể của kiểu dệt trơn. Cách dệt tương tự như kiểu dệt trơn. Tuy nhiên trọng lượng và kích thước của warp và weft là không giống nhau. Do đó loại vải này có những đường dệt  nổi bật và tinh tế hơn.

dệt twill

2.3.   Dệt chéo (Twill weave)

Cũng là một biến thể của kiểu dệt trơn. Điểm khác biệt là một hoặc nhiều sợi ngang đan xen trên và dưới hai hay nhiều sợi dọc. Thông thường người ta chỉ sử dụng một sợi ngang để xen kẽ giữa các sợi dọc. Dệt twill 1:2 tức là một sợi ngang đan xen trên dưới hai sợi dọc. Tương tự Dệt twill 1:3 tức đan xen trên dưới 3 sợi dọc.

ngành dệt may

 

Loại vải này vừa có độ bền cao lại vừa mềm mịn và chống nhăn hơn. Bề mặt vải có những đường chéo song song một cách rõ rệt, khiến chúng tinh tế và bắt mắt hơn kiểu dệt trơn.

2.4.   Dệt xương cá (Herringbone weave)

Cũng là một kiểu dệt chéo tuy nhiên chúng được thay đổi hướng đi của đường chéo để tạo nên tổng thể là một đường zig zag giống xương cá. Kiểu dệt này mang tất cả những đặc điểm của vải dệt chéo. Nhưng dệt xương cá mang tính thẩm mĩ cao hơn và bắt mắt hơn.

ngành dệt may

2.5.   Dệt sa-tanh (Satin weave)

Đây là một biến thể của kiểu dệt chéo, nhưng chúng được dệt với sợi ngang và sợi dọc ít giao điểm hơn. Càng ít giao điểm thì bề mặt vải càng sáng bóng và láng mịn. Tuy nhiên, nếu quá ít thì vải sẽ không có độ bền cần thiết cho một bộ trang phục.

Dưới đây là một kiểu dệt sa-tanh với sợi dọc được đan xen trên 4 sợi ngang (1:4)

 dệt sa tanh

2.6.   Dệt poplin (Poplin weave)

Poplin là một kiểu dệt chặt, cách đan cũng tương tự như kiểu dệt trơn, với sợi dọc và sợi ngang cùng kích thước. Tuy nhiên sợi dọc được nén chặt nhiều hơn so với sợi ngang. Điều này tạo nên những lỗ nhỏ giữa các sợi và tạo độ thoáng mát và thấm hút cho vải.

ngành dệt may

2.7.   Dệt Oxford (Oxford weave)

Kiểu dệt này tạo ra loại vải bền và nặng hơn Poplin. Bởi cách dệt này sử dụng hai sợi dọc đan xen trên dưới một sợi ngang lớn. Tuy nhiên chúng mềm mịn hơn so với Poplin.

dệt oxford

2.8.   Dệt Dobby (Dobby weave)

Đây là một kiểu dệt trơn với hoa văn và hoạ tiết nhỏ đã được thiết kế trước. Cách dệt này cần sử dụng một loại máy đặc biệt giúp tăng hoặc giảm số lượng sợi dọc để tạo ra những mẫu thiết kế trước đó. Vải dệt theo cách này tương đối phẳng và có chất lượng tốt.

ngành dệt may

Lời kết,

Những kiến thức cơ bản nhất trong ngành dệt may sẽ giúp bạn có sự lựa chọn trang phục tốt nhất với bản thân. Hãy tự hỏi mình. Bạn cần loại vải có độ bền chắc cao và thấm hút tốt cho công việc của mình hay loại vải không có độ bền tối đa nhưng mềm mịn, thoải mái cho một bộ trang phục tại nhà. Chúng sẽ hữu ích với bạn rất nhiều đấy.

 

 

Bạn có thể thích
x

Đã thêm vào giỏ hàng!

Xem giỏ hàng
Voucher dành cho bạn