Body Shaming là gì? Có ảnh hưởng tiêu cực như thế nào?

“Body shaming” là một thuật ngữ khá phổ biến hiện nay và được nhắc tới nhiều hơn trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter. Vậy bạn đã hiểu body shaming là gì và đã từng bị body shaming hay chưa?

Ngày đăng: 02.10.2021, lúc 15:03 16.588 lượt xem

Body shaming” là một thuật ngữ khá phổ biến hiện nay và được nhắc tới nhiều hơn trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter. Theo kết quả Google Trend trả về, lượt tìm kiếm về cụm từ “body shaming” trên Google từ năm 2020 - 2021 đã tăng hơn 50% so với năm 2019.

Vậy bạn đã hiểu body shaming là gì và đã từng bị body shaming hay chưa? Hãy cùng Coolmate tìm hiểu về body shaming và những ảnh hưởng tiêu cực mà nó gây ra cho chúng ta trong bài viết này nhé.

1. Body shaming là gì?

Body shaming dịch từ từ điển Anh - Việt có nghĩa là miệt thị ngoại hình. Để hiểu một cách chính xác hơn thì body shaming là sử dụng lời nói, ngôn ngữ để chê bai, chế giễu ngoại hình, khuyết điểm của người khác hoặc chính bản thân mình.

Một số người khi làm điều này sẽ không cho rằng họ đang body shaming người khác mà đơn giản chỉ là đang đùa giỡn với bạn bè. Nhưng đứng trên phương diện người nghe và nhận những lời chế giễu thì những lời nói này dù ít dù nhiều cũng sẽ gây cho họ cảm giác khó chịu, buồn, thậm chí là tổn thương sâu sắc. 

body-shaming-la-gi

Body shaming chính là miệt thị ngoại hình

2. Những hình thức body shaming thường gặp

Body shaming có thể là các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp để chỉ trích, châm biếm về ngoại hình của người khác. Đôi khi nó là những lời nói đùa vu vơ lặp đi lặp lại rất nhiều lần, hoặc là một lời mắng chửi, miệt thị một cách gay gắt.

Bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của chúng ta cũng đều có thể là mục tiêu để người ngoài nhắm vào và công kích. Ví dụ như: thân hình, làn da, màu da,…

Hiện nay body shaming phổ biến nhất phải nói đến fat-shaming, đây là sự chê bai về vóc dáng, cân nặng của người khác. Chỉ một câu nói “béo thế” được lặp đi lặp lại bởi rất nhiều người xung quanh sẽ gây ra sự tự ti, mặc cảm thậm chí là suy sụp tinh thần cho người bị chỉ trích.

Không chỉ những người có vóc dáng mập mạp, những người có thân hình quá gầy, ốm yếu cũng dễ trở thành đối tượng bị công kích, bị body shaming. Ngoài ra, body shaming còn được chia thành hai hình thức là: Miệt thị người khác và miệt thị chính bản thân mình.

body-shaming-la-gi

Body shaming có thể là các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp để chỉ trích, châm biếm về ngoại hình của người khác

2.1. Body Shaming: Miệt thị người khác

- Miệt thị người khác: Đây là một hình thức body shaming vô cùng phổ biến hiện nay. Chúng ta có thể bắt gặp nó ở bất cứ đâu dù là ở ngoài đời thực hay trên các trang mạng xã hội. Body shaming người khác thường xuất phát từ những câu nói bông đùa như “béo như heo”, “tròn quá nhỉ”, “như cục than”,...

Thường những người này sẽ không lường trước được “sức nặng” của những câu nói ấy ảnh hưởng thế nào đến người nghe, có thể với người nói thì đây chỉ là đùa cho vui nhưng với người nghe thì lại hoàn toàn khác. Tuy nhiên đây vẫn là cấp nhẹ hơn khi body shaming biến thành những lời miệt thị, chế giễu gay gắt.

2.2. Body Shaming: Miệt thị bản thân

Hiện nay, với sự phát triển của mạng xã hội cùng những thiết bị thông minh như điện thoại, laptop thì body shaming ngày càng dễ dàng bắt gặp hơn và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.

- Miệt thị chính bản thân: Đây là một hình thức body shaming thường gặp ở những người tự ti, hay mặc cảm với ngoại hình của chính bản thân mình. Họ là những người thường tự đánh giá thấp về bản thân, hay so sánh bản thân với những người xung quanh và thường cảm thấy không tự tin, bất an giữa đám đông. Họ sẽ luôn cố gắng tìm mọi cách che đi cơ thể của mình.

3. Nạn nhân của body shaming

Thực tế thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của body shaming. Đó có thể là bạn, là những người khiếm khuyết, những người có ngoại hình không bắt mắt hay ngay cả những người nổi tiếng cũng đều có thể trở thành đối tượng bị chỉ trích và miệt thị về ngoại hình. 

body-shaming-la-gi

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của body shaming (Ảnh: Kenh14)

Không một ai trên đời này hoàn hảo, chính vì vậy chỉ cần bạn không vừa mắt một ai đó, ngay lập tức bạn sẽ trở thành nạn nhân của body shaming, phải chịu những lời miệt thị từ người khác. Vì thế, đừng quá quan tâm đến những lời nói chế giễu về ngoại hình hay những tiêu chuẩn mà người khác áp đặt lên bạn, chỉ cần bạn thoải mái với chính bản thân mình tức là lúc ấy bạn đã rất đẹp rồi.

4. Dấu hiệu nhận biết hành vi body shaming

Bất kỳ ai cũng đều có thể trở thành nạn nhân của body shaming, nhưng bằng cách nào để nhận biết được rằng mình có đang bị body shaming hay vô tình trở thành người body shaming người khác hay không? Cùng Coolmate tìm hiểu ngay sau đây nhé!

- Đối với người khác: 

  • Dạo này tròn quá nhỉ?

  • Sao dạo này mày mập thế

  • Lùn như thế sao với tới được!

  • Mặt mụn thế này không thấy gớm à?

  • Người gì mà chỉ toàn da bọc xương không vậy?

  • Đã mập vậy rồi mà còn ăn nhiều thế?

- Đối với bản thân: 

  • Mình lùn hơn so với mọi người nhiều quá

  • Người ta mặc chiếc áo đó đẹp ghê sao mình mặc lại xấu thế này?

  • Vừa béo, vừa lùn thế này làm gì có ai thích chơi với mình

  • Da mặt dạo này xấu quá chẳng muốn gặp ai cả.

body-shaming-la-gi

Trên đây là những câu nói bạn sẽ thường bắt gặp nhất, nếu chưa biết đến body shaming có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng đây chỉ là những lời nói bông đùa, những lời than thở. Tuy nhiên đây lại chính là miệt thị ngoại hình. Ngoài những lời nói vừa kể trên thì body shaming còn có rất nhiều những lời nói hàng ngày khác.

Nếu không có giới hạn và không biết tự ý thức lại thì nó cũng sẽ trở thành những vũ khí vô hình làm tổn thương cho người khác. Vì vậy, chúng ta cần hạn chế những lời bình phẩm, nhận xét về ngoại hình của những người xung quanh dù cho mục đích của chúng chỉ là để vui vẻ, đùa giỡn.

5. Body shaming ảnh hưởng tiêu cực như thế nào? 

Với người nói body shaming sẽ chẳng có gì là nghiêm trọng, nhưng với người nghe thì những lời nói chê bai, chế giễu, miệt thị lại có những ảnh hưởng không nhỏ.

body-shaming-la-gi

Với người nghe thì những lời nói chê bai, chế giễu, miệt thị lại có những ảnh hưởng không nhỏ

5.1. Cảm thấy tự ti, mặc cảm dẫn đến căn bệnh trầm cảm.

Khi bị người khác chỉ trích, miệt thị về ngoại hình người nghe sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, bực bội lâu dần có thể sẽ tự miệt thị chính bản thân mình. Những nạn nhân của body shaming sẽ không thể nào gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, sự tự ti sau khi bị chê bai về ngoại hình. Từ một người vui vẻ, tự tin, năng động nếu bị body shaming quá nhiều chuyển sang nhút nhát, khép mình hơn.

Đặc biệt, các bạn trẻ ở lứa tuổi dậy thì sẽ rất dễ để tâm quá mức đến ngoại hình, đây cũng là thời điểm các em thay đổi tâm sinh lý và rất nhạy cảm với vấn đề body shaming.

5.2. Làm đẹp phản khoa học

Nhiều người khi bị body shaming họ sẽ tìm cách để khắc phục, giải quyết những khuyết điểm của mình để khỏi bị bàn tán và nhận những lời lẽ khó nghe. Tuy nhiên không phải ai cũng chọn cách khắc phục khuyết điểm theo cách tích cực. Chính vì vậy nhiều người đã lựa chọn những cách làm đẹp không an toàn với mong muốn có hiệu quả nhanh hơn, nhằm lấy lại tự tin cho bản thân. 

Ví dụ như: Khi bị chê quá nhiều về thân hình mập mạp, thừa cân, thay vì luyện tập thể dục, thể thao đúng cách thì họ lại chọn sử dụng thuốc giảm cân quá liều, phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở không có uy tín, nhịn ăn kiêng khem quá đà ,...

body-shaming-la-gi

Nhiều người đã lựa chọn những cách làm đẹp tiêu cực, không an toàn để mong muốn có hiệu quả nhanh hơn, nhằm lấy lại tự tin cho bản thân

5.3. Tác hại của body shaming làm suy sụp tinh thần

Dù những lời nhận xét không hay về ngoại hình của người khác với người nói chỉ mang tính đùa giỡn, nhưng với người nhận thì những lời đó thì sẽ dễ cảm thấy tự ti, mặc cảm, buồn bã, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Họ phải nhịn ăn, ép cân, uống thuốc, tìm đủ mọi cách để đạt được cân nặng, ngoại hình hoàn hảo hơn.

6. Cách để vượt qua nỗi sợ body shaming

Body shaming hiện tại ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Nó đã không chỉ là những lời nói thông thường mà đã trở thành “bạo lực bằng lời nói” bởi tính sát thương của body shaming chẳng thua kém gì với bạo lực. Nó có thể hủy hoại một con người. Chính vì vậy, chúng ta cần biết cách để vượt qua những nỗi sợ mà body shaming gây ra. Bằng cách nào thì hãy cùng Coolmate đọc tiếp nhé!

body-shaming-la-gi

Hãy học cách để vượt qua những nỗi sợ mà body shaming gây ra

6.1. Về phía nạn nhân của Body shaming

Yêu bản thân hơn vì không ai hoàn hảo cả

Trên đời này không có bất cứ thứ gì là hoàn hảo cả. Cũng không có ai tự vỗ ngực nói rằng mình là một người hoàn hảo. Ngay cả những người buông lời miệt thị người khác cũng vậy. Do đó, thay vì tập trung vào những khuyết điểm thì bạn hãy cố gắng yêu và hiểu bản thân mình hơn, hãy cố gắng làm nổi bật vẻ đẹp của mình để mọi người cùng được thấy và cũng để khéo léo che đi những khuyết điểm của mình!

Học cách chăm sóc bản thân tốt hơn

Để người khác yêu thương mình trước hết hãy yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Bởi chẳng ai có thể yêu mình nếu mình không yêu lấy chính bản thân mình. Hãy yêu thương, chăm sóc bản thân mình nhiều hơn để trở thành một phiên bản tốt nhất của chính bản thân mình chứ không phải để so sánh với một ai khác.

Hãy suy nghĩ tích cực hơn, từ đó việc tiếp nhận những nhận xét, sự chê bai từ người khác cũng sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nếu có thể hãy bỏ ngoài tai những lời chỉ trích tiêu cực, không mang tính đóng góp để bản thân tốt hơn.

Đừng im lặng! Hãy bảo vệ bản thân và lên án hành vi body shaming

Body shaming là một hành vi cần phải lên án mạnh mẽ, vì vậy đừng để những kẻ có hành vi body shaming mượn những lời nói đùa để thực hiện hành vi tấn công người khác bằng lời nói. Hãy thẳng thắn lên tiếng về điều này nếu như bạn cảm thấy khó chịu và bị xúc phạm.

Cũng đừng ngại chia sẻ với bạn bè và những người thân yêu, những người bạn có thể  tin tưởng, họ sẽ là liều thuốc xoa dịu vết thương của bạn hiệu quả nhất, giúp bạn vượt qua những khó khăn này và tìm được cách giải quyết tốt nhất.

Mỗi người chúng ta khi được sinh ra đã là một cá thể hoàn toàn độc lập, không ai giống ai và không ai có thể bắt buộc chúng ta phải theo tiêu chuẩn mà người ta đặt ra. Đừng để những quy chuẩn do người khác tạo ra làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống tươi đẹp của bạn.

6.2. Về phía người Body shaming

Khi nhận thức được hậu quả của body shaming, bản thân mỗi người nên thực sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ lời phán xét nào về ngoại hình của người khác. Để không biến những lời bông đùa trở thành sự miệt thị hay chê bai, hãy cẩn thận trong từng lời lẽ và cử chỉ của bản thân. 

Mỗi người cần phải xem xét từng đối tượng giao tiếp cụ thể để có hành động, hay thái độ trêu ghẹo nhất định. Đặc biệt là khi giao tiếp với người nhạy cảm, sống khép mình, hay tự ti,... hãy mang đến cho họ cảm giác tích cực, thân thiện và sự tin tưởng chứ không phải sử dụng lời lẽ tiêu cực họ càng rơi vào bế tắc. 

body-shaming-la-gi

Dừng lại ngay việc dùng lời nói bâng quơ để “giết chết” ai đó

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể góp ý để những người chưa biết rõ về body shaming hiểu hơn. Mỗi người cũng cần nâng cao hiểu biết của mình về vấn đề này để không vô tình miệt thị người khác. Đồng thời cũng như không phủ nhận chính bản thân mình.

7. Body shaming ở mức độ nào sẽ bị phạt?

Body shaming cũng được chia thành nhiều mức độ khác nhau. Dựa theo mức độ và tính chất của hành vi, hành động này có thể bị xử lý nếu ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, và uy tín của người khác.

7.1 Xử phạt hành chính

Căn cứ theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP tại điểm A Khoản 3 Điều 7, người có hành vi trêu ghẹo, khiêu khích, lăng mạ, xúc phạm, bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng tùy trường hợp:

  • Bị phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.

  • Bị phạt tiền từ 05 - 20 triệu đồng nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên trong gia đình.

Ngoài mức phạt trên, người body shaming người khác cũng có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng dựa theo điểm A Khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP nếu đưa thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của người khác trên môi trường mạng (Facebook, Tiktok, Zalo,…) 

7.2 Xử phạt hình sự

Người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm về Tội vu khống hoặc Tội làm nhục người khác nếu hành vi body shaming xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự của người khác. Cụ thể:

  • Tội làm nhục người khác (dựa theo Bộ luật Hình sự 2015 tại Điều 155): Mức phạt thấp nhất từ cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng và nặng nhất có thể đến 05 năm tù nếu khiến nạn nhân tự sát,…

  • Tội vu khống (dựa theo Bộ luật Hình sự 2015 tại Điều 156): Trường hợp bịa đặt và loan tin không đúng nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự người khác bị xử lý ở mức phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến 02 năm và nặng nhất có thể đến 07 năm tù nếu vì động cơ đê hèn hoặc khiến nạn nhân tự sát,…

body-shaming-la-gi

Người có hành vi body shaming có thể bị xử phạt dựa theo mức độ và tính chất của hành vi

7.3 Bồi thường thiệt hại

Ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật là bị phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi body shaming gây ra thiệt hại cho người khác thì người vi phạm có thể phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. 

Điều này được căn cứ tại Điều 592 Bộ luật Dân sự, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác có thể phải bồi thường thiệt hại. Vì theo Điều 34 Bộ luật Dân sự, đây là một trong những vấn đề được pháp luật bảo vệ và mọi người có nghĩa vụ tôn trọng. 

body-shaming-la-gi

Người có hành vi body shaming có thể phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân

Cũng theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, các bên có thể tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường. Nếu không thể thỏa thuận, mức bồi thường cao nhất không quá 10 lần mức lương cơ sở. 

Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng và tối đa không qua 14,9 triệu đồng. Tuy nhiên từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở được áp dụng là 1,8 triệu đồng/tháng do đó mức bồi thường cao nhất không quá 18 triệu đồng.

Như vậy Coolmate đã chia sẻ đến bạn về những điều liên quan đến body shaming. Qua bài viết này chắc chắn bạn đã hiểu được body shaming là gì và những hệ lụy mà nó để lại. Đừng để mình trở thành nạn nhân của body shaming và cũng đừng trở thành người xấu khi buông những lời nhận xét không hay về ngoại hình của người khác nhé!

Coolmate – Nơi mua sắm đáng tin cậy dành cho nam giới

Bạn có thể thích
x

Đã thêm vào giỏ hàng!

Xem giỏ hàng
Voucher dành cho bạn