Sau nhiều vụ lừa đảo và những mối quan hệ độc hại bị bóc trần, thuật ngữ thao túng tâm lý hay còn gọi là gaslighting nhanh chóng trở nên phổ biến. Vì đây là một hành động tác động đến tâm lý người khác một cách từ từ nên rất khó để nhận ra và thường phát hiện khi đã quá muộn, không có cách giải quyết triệt để mà không gây tổn thương cho nạn nhân.
Gaslighting là một hành vi thao túng tâm lý người khác nhằm phục vụ cho những mục đích cá nhân xấu xa (Nguồn: The Japan Times)
Chính vì thế, việc hiểu rõ bản chất của hành vi thao túng cũng như lạm dụng tâm lý nạn nhân sẽ giúp mọi người có thể tránh xa những rủi ro và red flags trong các mối quan hệ xã hội. Các bạn hãy cùng Coolmate điểm qua những đặc điểm, dấu hiệu, tín hiệu cảnh báo và cách phòng tránh gaslighting nhé.
1. Gaslighting là gì?
Gaslighting là một cụm từ tiếng anh với nghĩa đen là thắp đèn ga, là một cụm từ chuyên môn được sử dụng để miêu tả hình thức lạm dụng tâm lý hoặc thao túng cảm xúc của đối phương. Bằng nhiều biện pháp khác nhau như nói dối, sử dụng thông tin sai, thiếu sự thật,... khiến nạn nhân lo lắng, nghi ngờ, bối rối,... và dần mất niềm tin vào bản thân.
Có rất nhiều hành vi gaslight khác nhau (Nguồn: Cleveland Clinic health)
Hành vi này được thực hiện nhằm thao túng, bạo hành hoặc kiểm soát, điều khiển người khác để đạt được những mục đích cá nhân. Quá trình này xảy ra trong thời gian dài và rất khó để nhận biết. Đặc biệt, nếu có bất cứ sự nghi ngờ bản thân đang bị thao túng tâm lý nào nảy sinh thì nạn nhân có có cảm giác tội lỗi vì đã nghĩ sai cho kẻ đang thao túng mình.
Nguồn gốc khái niệm Gaslighting
Khái niệm gaslighting được bắt nguồn từ một bộ phim tên Gaslight được phát hành ở Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 20. Nội dung chính của bộ phim này tập trung vào hành vi lạm dụng tâm lý của ông Manningham với vợ mình.
Người chồng có âm mưu lục lọi những đồ vật có giá trị trong nhà nhưng không muốn người vợ phát hiện. Để có thể thực hiện được hành vi này, ông ta đã thay đổi vị trí đồ đạc trong nhà rồi khẳng định rằng trí nhớ của vợ có vấn đề. Việc thao túng này đã lặp đi lặp lại đến mức người vợ tự nghi ngờ trí nhớ của bản thân. Sau đó, mặc dù cô nhận ra những dấu hiệu bất thường khi người chồng lục lọi trên mái nhà nhưng cô đã tự nghĩ rằng bản thân đang ảo tưởng mà thôi.
Thuật ngữ gaslighting xuất hiện từ vở kịch và bộ phim Gaslight của thế kỷ 20 (Nguồn: Ybox)
Sau khi xuất hiện trên màn ảnh, thuật ngữ gaslighting bắt đầu xuất hiện trong các sách chuyên môn trong khoảng 20 năm sau đó để miêu tả hành vi lạm dụng cảm xúc của nạn nhân và phá hoại khả năng phán đoán, suy nghĩ và nhận định của người khác. Đến nay, các nhà nghiên cứu tâm lý và tâm thần học đã sử dụng và công nhận khái niệm này như một hành vi thao túng tâm lý bất thường.
Các hành vi gaslighting có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong các mối quan hệ xã hội như vợ chồng, cha mẹ với con cái, đồng nghiệp, sếp và nhân viên, bạn bè,... Trong trường hợp xấu nhất, việc thao túng cảm xúc có thể khiến nạn nhân suy sụp tinh thần, trầm cảm và nghiêm trọng hơn là tự sát.
Hậu quả của thao túng tâm lý rất nghiêm trọng và có thể dẫn đến tự sát (Nguồn: Trung tâm tâm lý trị liệu NHC)
Quá trình Gaslighting diễn ra như thế nào?
Là một hành vi tác động đến tâm lý nạn nhân trong thời gian dài, gaslighting thường bị nhầm lẫn với nhiều hành động khác và khó có thể nhận biết sớm. Vì thế, để có thể hiểu rõ về thuật ngữ này thì các bạn cần nắm rõ quá trình phát triển của nó. Mặc dù vậy, việc thao túng tâm lý ở ngoài đời thực thường không xảy ra tuần tự và có những dấu hiệu ẩn khác, nhưng các bạn hoàn toàn có thể xem xét tâm lý bản thân để kịp thời giữ mình không trở thành nạn nhân của những kẻ độc hại nhé.
-
Hoài nghi: Với sự phản đối và những thông tin sai lệch được sử dụng để lấp liếm mục đích thực sự xảy ra lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài, tâm lý con người sẽ nảy sinh sự hoài nghi đối với nhận thức của mình và sẽ tự nghi ngờ chính mình. Khi bắt đầu hình thành suy nghĩ này, bạn cần xem xét lại nhận thức mới của mình liệu có đúng đắn và có do người khác tác động nên hay không.
Nạn nhân thường có xu hướng hoài nghi bản thân và không có niềm tin vào chính mình (Nguồn: Vinmec)
-
Phòng thủ: Khi trở thành nạn nhân của hành vi gaslighting, não bộ sẽ có xu hướng tự bảo vệ bản thân khỏi hành vi thao túng này. Tuy nhiên, việc phòng thủ này không có hiệu quả lớn đối với những hành vi của kẻ thái nhân cách nếu hắn đã nhằm vào bạn. Trong giai đoạn này, tâm lý của bạn trở nên yếu ớt, nhạy cảm và dễ phát điên, stress vì những hành vi chống đối vô vọng của bản thân.
Nạn nhân thường cư xử cực đoan để phản ứng lại những tình huống đời sống (Nguồn: Hội đồng giám mục)
-
Trầm cảm: Khi đến giai đoạn này, những người bị gaslighting không còn bất cứ cảm xúc vui vẻ thực sự nào mà dần co cụm bản thân lại trong vỏ ốc của chính mình. Nạn nhân không còn tin tưởng bất cứ ai, ngay cả chính bản thân họ, vì thế, việc bày tỏ cảm xúc hoặc xin lời khuyên từ người khác cũng khó có thể thực hiện được. Họ thường dễ bị hoảng sợ, lo lắng, bất an vì những điều nhỏ nhặt và thường bị ảnh hưởng khá mạnh từ những cảm xúc, hành vi của kẻ thao túng.
Điều quan trọng trong toàn bộ quá trình gaslighting chính là nó xảy ra từ từ, được áp dụng quy tắc “nước ấm nấu ếch” nên không thể hoặc gần như không thể nhận ra ngay lập tức. Thường nạn nhân chỉ nhận ra khi đã bị ảnh hưởng đến một mức nhất định và sau đó dù đã thoát khỏi kẻ thao túng thì vẫn có những tổn thương và bóng ma tâm lý nhất định.
Rất khó để nhận biết tình trạng gaslighting của bản thân (Nguồn: Ilaw)
2. 10+ dấu hiệu bạn đã bị rơi vào mối quan hệ độc hại gaslighting
Bên cạnh việc nắm rõ những đặc điểm và quá trình phát triển của nạn nhân khi gặp trường hợp thao túng tâm lý thì có những dấu hiệu khá đặc thù. Nếu bạn cảm thấy mối quan hệ đang trở nên bất thường và có những dấu hiệu dưới đây thì hãy tìm đến sự giúp đỡ của những người đáng tin cậy để đưa ra nhận định chính xác rằng đây có phải là gaslighting hay không nhé. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bản thân bạn hạn chế gặp phải những tổn thương tinh thần đấy.
-
Bạn thường xuyên thay đổi quan điểm dựa vào sự tán thành hoặc phản đối của những người xung quanh, hoặc là một người cố định có vai trò quan trọng như chồng, vợ, bố mẹ, anh chị, bạn thân,... dù không có lý do thuyết phục nào đúng đắn cũng như bạn căn bản không hề muốn điều đó.
-
Khi có những sai lầm nhỏ xảy ra trong cuộc sống thì bạn thường bị phóng đại nỗi sợ lên đến mức khủng hoảng, mặc dù những chuyện ấy không đến nỗi đáng sợ như vậy
Nếu bạn cảm thấy hoảng sợ, lo lắng đối với cả những lỗi nhỏ nhặt thì có thể bạn đã bị thao túng (Nguồn: Zing news)
-
Bạn thường xuyên cảm thấy có lỗi và chỉ trích bản thân mình, cảm thấy mình suy nghĩ, hành động như thế là sai trái và không được phép phản đối
-
Thường xuyên có suy nghĩ bản thân chỉ đang quá nhạy cảm thôi chứ không có vấn đề gì đâu
-
Thường cảm thấy bối rối, không kiểm soát được cảm xúc trong một môi trường nhất định, nhưng sau đó lại cảm thấy hoảng sợ và lo lắng
-
Bạn thường có suy nghĩ rằng mình không đủ tốt, những người xung quanh đang cư xử quá tốt đối với mình
-
Bạn không cảm thấy hạnh phúc dù có những chuyện vui vẻ, mới mẻ xảy đến trong cuộc sống
-
Đối diện với những hành vi sai trái của người khác thì bạn luôn tìm những lý do biện hộ cho những điều đó và thường có niềm tin tưởng những người ấy vô điều kiện
Bạn luôn tin tưởng kẻ gaslight và tìm mọi lý do để bao biện cho hành vi sai trái của họ (Nguồn: Rmit)
-
Bạn giấu diếm thông tin với những người thân thiết và chỉ nói ra với một người nhất định, đôi khi là hạn chế tiếp xúc trực tiếp vì thường có nỗi lo lắng và hoảng sợ mơ hồ
-
Thường xuyên phải suy nghĩ những việc mình liệu có đã làm sai trong ngày trước khi đối mặt với một người nào đó
-
Bạn nhận thức được rằng bản thân mình đã từng là một con người khác, có cuộc sống nhẹ nhàng, thư thái và tự do hơn, nhưng bạn không dám suy nghĩ về lý do đã khiến bạn thay đổi
-
Thường có suy nghĩ rằng tất cả những chuyện bản thân làm đều không mang lại bất cứ giá trị gì tử tế
-
Những người thân thiết khác có xu hướng bảo vệ và ngăn cản bạn tiếp xúc với một người mà bạn thường thấy có lỗi hoặc sợ hãi, tuân theo một cách vô hình
-
Bạn cảm thấy mơ hồ về tương lai, không có nhiều cảm xúc đối với những chuyện trong cuộc đời và dễ dàng nổi cáu, tức giận với những chuyện nhỏ nhặt
Bạn không còn kiểm soát được cảm xúc cũng như những mối quan hệ đời sống khác (Nguồn: Báo phụ nữ)
3. Những tín hiệu cảnh báo về một kẻ gaslighting
Bên cạnh những dấu hiệu bạn có thể nhận thấy chính mình đang bị thao túng tâm lý và lạm dụng cảm xúc thì bạn có thể cân nhắc những vấn đề xuất phát từ phía đối phương. Việc đánh giá người kia có phải một kẻ gaslighting hay không cũng sẽ giúp bạn có những nhận định đúng về mối quan hệ hiện tại. Mặc dù những kẻ thái nhân cách có thể sử dụng mánh khóe gaslight khá thuần thục nhưng vẫn có các red flags khá rõ ràng như sau:
-
Nói dối: Không trung thực chính là một trong những tiêu chí khá rõ ràng. Việc nói dối liên tục lặp đi lặp lại nhiều lần và khiến bạn cảm thấy hoài nghi dù chính bạn biết họ đang nói dối. Việc nói sai những điều hiển nhiên nhưng lặp lại sẽ khiến bạn nghĩ rằng người đó không thể nào nói dối những chuyện như vậy, dẫn đến tâm lý hoài nghi trí nhớ và nhận thức của chính mình.
Những kẻ thao túng luôn lặp đi lặp lại những lời nói dối để khiến bạn nghi ngờ bản thân (Nguồn: Pure wow)
-
Chối bỏ hành động đã làm: Sau những việc họ đã làm tổn thương bạn thì họ thường có xu hướng chối bỏ điều đó hoặc dùng ngôn từ để lấp liếm, khiến bạn rối loạn và cuối cùng tin rằng họ không hề làm hại bạn. Vì lẽ đó, tâm trí của bạn dần có xu hướng phụ thuộc vào kẻ gaslighting và không có nhiều phản ứng gay gắt ngay cả khi bị tổn hại.
-
Chứng minh những thứ bạn yêu quý đều không đáng trân trọng: Họ nhận thấy bạn yêu quý gia đình, công việc, bạn bè,... và họ tìm mọi cách để chứng minh rằng những mối quan hệ đó đều độc hại và tồi tệ, khiến bạn cảm thấy nghi ngờ những điều mình yêu thương và dần trở nên phụ thuộc, không còn chính kiến.
Cắt đứt mối quan hệ của bạn với cuộc sống xung quanh sẽ khiến bạn phụ thuộc hoàn toàn vào kẻ thao túng (Nguồn: Psycho)
-
Kết hợp hành động/ lời nói bạo hành với những hành vi ngọt ngào: Điều gì có thể dễ dàng che giấu nhất khi gaslighting? Đó chính là những hành vi bạo hành tâm lý hoặc thể xác sẽ được lấp liếm bằng một vài hành động, cử chỉ ngọt ngào nào đó. Việc này sẽ khiến bạn cảm thấy người đó không hề xấu và cuối cùng sẽ phục tùng, tin tưởng vô điều kiện.
-
Tất cả mọi chuyện đều là lỗi của bạn: Họ xây dựng hình tượng hoàn hảo trong lòng bạn và không có bất cứ lỗi lầm nào. Khi đó, bạn cảm thấy mình gian dối, lừa lọc hoặc không xứng đáng với kẻ thao túng. Từ đó, họ đẩy vị thế của bạn thấp hơn họ trong mối quan hệ và luôn có xu hướng nghe lời họ hơn.
Nếu tất cả đều là lỗi của bạn thì bạn sẽ bị phụ thuộc và áy náy hơn với kẻ đó (Nguồn: Red buble)
4. Cách phòng tránh để không bị rơi vào mối quan hệ gaslighting
Nếu bạn đã nhận thấy những dấu hiệu khá rõ ràng của một kẻ gaslighting hoặc mối quan hệ có xu hướng phát triển sang trạng thái thao túng và mất cân bằng thì cần phải làm gì? Việc vội vã kết luận đôi khi sẽ khiến bản thân có những sai lầm hoặc hối hận, nhưng nếu không quyết đoán lại có thể khiến bạn bị tổn thương sâu sắc. Vậy giải pháp nào là cân bằng cho tất cả? Hãy cùng Coolmate tìm hiểu nhé.
Xác nhận tình trạng gaslighting của bản thân
Để có thể xác nhận tình trạng mối quan hệ của bản thân đối với bất cứ ai thì bạn cần ghi chú lại những lần bản thân nghi ngờ, cố gắng giữ suy nghĩ và nhận định độc lập để có thể suy xét chính xác. Thêm vào đó, bạn có thể kết hợp với thiền để giữ cho tâm trí mình luôn sáng trong và bình tĩnh.
Thiền có thể giúp tâm trí của bạn bình tĩnh và suy xét cẩn thận mọi chuyện (Nguồn: Vinmec)
Lắng nghe tiếng lòng và tin tưởng bản thân
Chính bạn mới là người có quyền đưa ra quyết định đối với bản thân mình chứ không phải bất cứ ai khác. Vì thế, bạn nên có sự tin tưởng tuyệt đối vào trí nhớ và cảm nhận của mình. Nếu có bất cứ ai tìm cách để chứng minh bạn sai lầm trong mọi tình huống thì đều có vấn đề bất thường và cần xem xét lại những dấu hiệu thao túng tâm lý.
Làm ngơ kẻ gaslighting
Mục tiêu cuối cùng của những kẻ thao túng chính là khiến bạn phụ thuộc hoàn toàn vào họ và không còn bất cứ chỗ dựa cũng như chính kiến nào khác. Để tránh xa trường hợp này thì bạn có thể làm lơ họ, không phản ứng hay tuân theo bất cứ điều nào họ muốn. Đừng cố gắng tìm lý do vì sao họ đối xử như vậy với bạn, mà chỉ cần tìm cách giữ bản thân luôn sáng suốt và công bằng là đủ.
Không để ý đến kẻ gaslighting sẽ khiến hắn không có cơ hội lạm dụng cảm xúc của bạn (Nguồn: Phụ nữ today)
Quản lý cuộc sống và cảm xúc của mình
Như đã nói ở trên, nếu bạn không có niềm tin vào chính mình thì sẽ trở thành một miếng mồi ngon trong mắt những kẻ gaslighting. Vì thế, việc bạn tự mình quản lý công việc, thời gian, cảm xúc và những mối quan hệ theo hướng mà bạn mong muốn sẽ khiến bạn trở nên độc lập, mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn nhiều.
Nhờ đến sự giúp đỡ của người khác
Thông thường, những kẻ thao túng tâm lý đều chỉ xuất hiện khá hiếm hoi trong cuộc sống của bạn, ít khi xuất hiện theo nhóm nhưng cũng không loại trừ khả năng này. Vì thế, nếu bạn đang nghi ngờ một người nào đó có xu hướng gaslighting mình thì có thể nhờ đến sự giúp đỡ, tư vấn từ một người thân thiết khác như bố mẹ, bạn bè, vợ chồng,... Khi thay đổi góc nhìn thì có thể toàn cảnh mối quan hệ sẽ được phân tích rõ ràng và chính xác hơn.
Hãy tìm đến sự giúp đỡ của bạn bè và người thân để có thể đánh giá tình huống và nhận được những lời khuyên đúng đắn (Nguồn: VOV)
Hiểu rằng ai cũng có lỗi lầm nhưng đều có thể thay đổi tốt hơn
Những kẻ thao túng và lạm dụng cảm xúc luôn đổ lỗi cho bạn và khiến bạn cảm thấy mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, bạn nên nhớ không có bất cứ ai hoàn hảo, việc mắc sai lầm là chuyện cực kỳ bình thường. Điều quan trọng là chúng ta cần phải nhận thức được sai lầm của mình để hạn chế việc lặp lại nó thêm lần nữa mà thôi.
Thay đổi môi trường khác
Nếu gaslighting xuất hiện trong những môi trường dễ thay đổi như trong các mối quan hệ đồng nghiệp, công sở, yêu đương, bạn bè,... thì bạn có thể xem xét thay đổi chỗ làm hoặc không tiếp tục mối quan hệ với người đó nữa. Đối với những trường hợp gaslight trong gia đình thì bạn có thể lựa chọn chuyển ra ngoài ở và hạn chế tiếp xúc với những kẻ thao túng nhé.
Nuôi thú cưng
Nếu bạn cảm thấy tuyệt vọng và không muốn tin tưởng bản thân thì hãy thử nuôi thú cưng nhé. Mặc dù những chú chó nhỏ, mèo hoặc động vật khác đều không thể nói nhưng chúng có thể hành động để giúp bạn cảm thấy tốt hơn và có giá trị hơn. Đối với chúng, bạn chính là người tốt nhất, nên đừng bao giờ nghi ngờ giá trị của mình nhé.
Nuôi thú cưng có thể giúp bạn nhận ra giá trị của bản thân và có niềm tin vào chính mình (Nguồn: AZ Pet)
Lời kết
Vì ranh giới giữa nêu ý kiến góp ý và thao túng tâm lý người khác rất mỏng manh nên việc phân biệt rạch ròi hai hành vi này là cực kỳ khó khăn. Tuy vậy, nếu xem xét về bản chất và nguồn gốc ý kiến đưa ra thì bạn hoàn toàn có thể giữ bản thân tránh xa những kẻ thao túng và giúp bạn miễn nhiễm với những mối quan hệ gaslighting độc hại đấy nhé.
Nếu các bạn thấy bài viết này hữu ích thì đừng quên chia sẻ ngay cho bạn bè và người thân cùng tham khảo. Đừng quên theo dõi Cool Blog để cập nhật những tin tức thời trang mới nhất.
“Coolmate - Nơi mua sắm đáng tin cậy dành cho nam giới.”