Bạn có bao giờ cảm thấy bạn và người yêu/ bạn đời của mình chưa thực sự hiểu nhau hay không? Đó không phải là do vấn đề về văn hóa, cách sống hay sử dụng khác ngôn ngữ mẹ đẻ, mà lo do cách thể hiện và ngôn ngữ tình yêu (love language) có sự khác biệt? Vậy love language là gì? Nó có thực sự quan trọng hay không? Và bạn là người thuộc loại ngôn ngữ nào? Cùng Coolmate khám phá ngay qua bài viết ngay sau đây nhé.
Love language là gì? Ngôn ngữ tình yêu: Bạn thuộc loại nào?
1. Love language là gì?
1.1. Love language là gì?
Mỗi người thường có cách thể hiện tình cảm, và mong muốn nhận lại kiểu quan tâm, chăm sóc khác nhau. Có đôi khi bạn là người luôn dành mọi thứ cho người ấy, nhưng đổi lại người ấy lại vô tâm nên có thể khiến bạn hoài nghi về mối quan hệ của cả hai. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không được yêu thương và không phải là sự ưu tiên, chẳng qua là do cách biểu đạt ngôn ngữ tình yêu của họ có sự khác biệt với bạn mà thôi.
Vậy ngôn ngữ tình yêu là gì? Có thể hiểu đơn giản rằng đây là một cách thể hiện sự cho-nhận trong tình yêu, là cách mà bạn thể hiện tình cảm và mong muốn nhận lại từ đối phương trong mối quan hệ yêu đương.
Love language là cách thể hiện sự cho và nhận trong tình yêu
Mỗi người sẽ có những ngôn ngữ về tình yêu khác nhau. Dưới đây là phân loại về năm ngôn ngữ tình yêu. Bạn cùng xem thử mình thuộc tuýp người như thế nào nhé.
1.2. 5 loại ngôn ngữ tình yêu
#1. Words of affirmation (Lời nói động viên) (WoA)
Lời nói đôi khi sẽ là một cách thể hiện tình yêu tốt hơn hành động. Tuy nhiều người vẫn cho rằng hành động hơn lời nói, nhưng nếu bạn hoặc đối phương là người sử dụng loại ngôn ngữ này thì sẽ có xu hướng dùng lời nói để biểu lộ mối quan tâm của mình nhiều hơn.
Lời nói ở đây có thể được hiểu là những câu từ thể hiện cảm xúc, sự trân trọng, hay lời khen dành cho đối phương. Những câu nói đơn giản mà bạn có thể dành cho người dùng Words of affirmation như “Anh yêu em”, “Em yêu anh”, “Anh cảm ơn em”, “Anh nhớ em”,...
Words of Affirmation là cách thể hiện dùng lời nói động viên dành cho đối phương
Không chỉ là những lời nói “ngọt sâu răng” kia, bạn cũng có thể dành những lời khen và động viên dành cho người ấy như “Em đã làm rất tốt”, “Em tự hào về anh”,... Hãy linh hoạt sử dụng chúng, đừng chỉ chăm chăm vào một câu nói lặp lại thường xuyên cũng dễ khiến ngày khác cảm thấy bị “ngấy” đó.
Nếu yêu một người thuộc hệ ngôn ngữ WoA này, bạn hãy thường xuyên gửi đến họ những lời nói tình cảm, những câu nói động viên và khích lệ người ấy nhé. Hơn nữa, những người này cũng sẽ thích việc được duy trì và kết online thường xuyên với bạn đấy.
Và ngược lại, nếu bạn dùng những câu nói vô tâm, những từ ngữ xúc phạm, coi thường họ, họ sẽ cảm thấy bị tổn thương sâu sắc. Khi đó, họ lại cần có thời gian chữa lành những cảm xúc và phục hồi lại trạng thái bình thường.
Những cách sử dụng Lời nói động viên dành cho đối phương
#2. Acts of Service (Những hành động phục vụ) (AoS)
Trái ngược với loại love language phía trên, những người thuộc hệ Acts of Service lại thích dùng hành động, và mong muốn thấy hành động hơn là những lời nói trên đầu môi chót lưỡi. Những hành động đơn giản có thể kể đến như xách túi giúp, chuẩn bị đồ ăn sáng, đồ ăn trưa, chủ động đưa đi ăn, chủ động làm việc nhà,... Không cần quá lớn lao, chỉ cần những thứ nhỏ nhặt cũng đủ khiến đối phương cảm động.
Bạn cũng đừng quá nặng nề nếu yêu phải một người thuộc tuýp Acts of Service. Điều này có nghĩa là bạn không cần lúc nào cũng phải thể hiện bằng cách hành động trước mặt cô ấy/ anh ấy. Chỉ cần những lúc thiết thực nhất, cụ thể nhất là bạn đã có thể giữ được trái tim của đối phương rồi.
Acts of Service (Những hành động phục vụ) là một trong năm ngôn ngữ tình yêu
Nếu như cô ấy than mệt hoặc stress với công việc, học hành thì bạn có thể đưa cô ấy đi gội đầu dưỡng sinh Hay nếu chàng có tâm trạng, gặp chuyện không vui thì bạn có thể giúp chàng massage, đưa chàng đi uống “sinh tố lúa mạch”, hoặc chill ở cafe rooftop. Hay chỉ cần đơn giản là những cái ôm thật chặt cũng đủ khiến đối phương yên lòng.
Hãy luôn chủ động làm những việc mà đối phương muốn, hoặc bạn biết rõ đối phương đang cần hoặc muốn làm. Như vậy, cả hai sẽ có nhiều cơ hội thân thiết và thấu hiểu nhau hơn. Tránh việc thất hứa hay lười biếng. Vì đây là những điều đại kị với người “nói” thứ ngôn ngữ tình yêu này.
Rửa chén cũng là một công việc cụ thể mà chàng có thể dùng để nói lên hành động yêu thương của mình
#3. Quality time (Thời gian chất lượng) (QT)
Yêu nhau và dành thời gian cho nhau là một điều hiển nhiên. Nhưng số lượng không bằng chất lượng nếu cả 2 không biết nắm bắt và tận dụng chúng một cách tối ưu.
Những người thuộc tuýp ngôn ngữ này luôn muốn và luôn thích sự có mặt và hiện diện của đối phương. Họ sẽ cảm thấy được yêu thương nếu đối phương dành thời gian cho họ. Dĩ nhiên, đấy phải là thời gian chất lượng khi mà cả 2 thực sự tập trung vào nhau, mà không bị chi phối bởi bất kì thiết bị điện tử hay công việc gì.
Dành những quãng thời gian chất lượng cho lâu là cách giữ lửa cho mối quan hệ của mình
Nếu yêu một người dùng ngôn ngữ Quality time này, bạn nên cố gắng sắp xếp thời gian rảnh cho người ấy. Có thể là một buổi tối xem phim hấp dẫn, một bữa ăn lãng mạn, đưa nhau đi shopping, đi nhà sách, hay dành những vài ngày cuối tuần để đi du lịch cùng nhau sẽ giúp cả 2 gia tăng hương vị cho tình yêu đấy.
Đối với những người này, bạn không nên thất hứa hay trễ hẹn. Hoặc bạn bị mất tập trung vào một trận game đang chơi dở cũng có thể làm cho người bên cạnh cảm thấy bị thiếu tôn trọng và làm tổn thương họ đấy.
Sắp xếp và dành thời gian thực sự chất lượng cho nhau là cách thể hiện của ngôn ngữ tình yêu
#4. Receiving gifts (Tặng quà)
Một trong 5 loại ngôn ngữ tình yêu đó là Receiving gifts (Tặng quà). Những người thuộc tuýp “nói” ngôn ngữ này không phải là họ thực dụng, vì họ sẽ không coi trọng giá trị của món quà, mà thay vào đó là ý nghĩa của món quà ấy. Họ sẽ cảm thấy được yêu thương, được quan tâm khi nhận được những món quà đầy ý nghĩa từ đối phương.
Nếu bạn hoặc người yêu là người sử dụng ngôn ngữ này thì hãy để ý và ghi nhớ những ngày đặc biệt như sinh nhật, kỉ niệm ngày cưới, kỉ niệm ngày yêu nhau,... và gửi đến họ những món quà. Hay không cần một dịp gì cả, bạn có thể thể hiện tình cảm của mình bằng một cành hoa, một món đồ mà đối phương đang rất thích và muốn có được nó.
Receiving gifts (Tặng quà) là một trong các ngôn ngữ tình yêu do Gary Chapman xây dựng
Chính việc để ý và quan tâm đến những sở thích của nhau sẽ giúp bạn có thêm nhiều cơ hội để bày tỏ tình cảm của mình. Hãy ghi lại mỗi lần bạn nghe đối phương thích một món gì đó. Việc tặng quà bất ngờ cũng sẽ giúp mối quan hệ thêm thú vị đó.
Nếu nàng chưa biết tặng gì cho chàng nếu người yêu của mình là người dùng ngôn ngữ Receiving Gifts này thì có thể tham khảo những quà tặng cho người yêu này. Hoặc thiết thực hơn là những chiếc áo thun, quần jeans hay quần lót cho chàng nhé.
Tặng quà và được nhận quà là một trong những cách biểu đạt ngôn ngữ tình yêu
#5. Physical Touch (Tiếp xúc cơ thể)
Physical touch là kiểu love language là gì? Physical touch có thể hiểu là những tiếp xúc cơ thể, những cái âu yếm, vuốt ve mà đối phương dành cho bạn, hoặc họ muốn nhận được từ bạn.
Dĩ nhiên, người thuộc tuýp ngôn ngữ này không phải thuộc dạng “biến thái” hay chỉ nghĩ đến nhu cầu tình dục. Nhưng việc tiếp xúc và va chạm trên cơ thể sẽ khiến họ cảm thấy yêu và được yêu nhiều hơn. Những cái ôm, những nụ hôn, những cái nắm tay, ôm eo,... cũng là một cách mà người Physical touch dùng để thể hiện ngôn ngữ trong tình yêu của mình.
Physical Touch là một trong 5 love language của con người
Tuy nhiên, những vấn đề này khá nhạy cảm, và không phải đối phương nào cũng thoải mái với những hành vi này. Do đó, bạn cần xác định kĩ mối quan hệ, cũng như nhận biết mức độ gần gũi cho phép để không vượt quá giới hạn gây khó khăn và cản trở trong mối quan hệ của mình nhé.
Một người có thể có nhiều ngôn ngữ về tình yêu khác nhau. Nhưng theo cha đẻ của thuật ngữ này thì sẽ có 1 ngôn ngữ là nổi trội nhất và được thể hiện một cách rõ nét nhất. Điều này được hình thành qua quá trình lớn lên hay ảnh hưởng từ những thứ xung quanh.
Bên cạnh đó, sẽ có một kiểu ngôn ngữ thứ hai mà bạn cần phải học. Thứ ngôn ngữ này chính là thứ tiếng của đối phương, mà bạn cần phải hiểu để có thể kết nối được với người ấy.
Mỗi người đều có ngôn ngữ tình yêu riêng mình
2. Nguồn gốc của love language là gì?
Nguồn gốc của 5 ngôn ngữ tình yêu là gì, bạn đã biết chưa? Đây là một cụm từ được “phát minh” và định nghĩa bởi tiến sĩ, chuyên gia tư vấn Gary Chapman trong cuốn sách có tựa đề The 5 Love Languages: The Secret to Love That Lasts xuất bản vào năm 1992. Chỉ sau 1 năm ra mắt, quyển sách bán hơn 8,000 quyển và tăng gấp đôi trong năm tiếp theo.
Khi viết cuốn sách này, ông đã đặt ra một câu hỏi ngay mở đầu quyển sách rằng “Chuyện gì xảy ra với tình yêu sau đám cưới?”. Trong hôn nhân của các cặp đôi thường xảy ra nhiều mâu thuẫn khác nhau, mà vấn đề cơ bản chung là do bất đồng trong các ngôn ngữ tình yêu.
Nguồn gốc của love language là gì?
Mỗi người một cách thể hiện khác nhau, cùng với mong muốn tình yêu luôn được như lúc ban đầu. Nhưng nếu cả hai không sẵn sàng chia sẻ và đối thoại với nhau sẽ dễ dẫn đến những rạn nứt trong hôn nhân mà không một ai mong muốn.
Và cho đến thời điểm hiện tại, những lí thuyết của ông vẫn còn rất thức thời và phù hợp. Chúng được áp dụng nhiều vào các khóa học tình yêu - hôn nhân ngày nay. Quyển sách này là một trong những cuốn bán chạy nhất trên New York Times với số lượng hơn 12 triệu bản được bán ra và 50 ngôn ngữ khác nhau được dịch từ nguyên bản này.
Quyển sách của Gary Chapman là quyển sách bán chạy nhất trên New York Times
3. Vì sao love language trở nên phổ biến?
Sau khi xuất bản, quyển sách trở nên nổi tiếng và được nhiều đọc giả đón nhận. Thậm chí, sách còn được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau để tiếp cận được với nhiều người từ các quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, sách còn có nhiều phiên bản, được “dịch” ra các ngôn ngữ tình yêu khác dành cho trẻ em, nam giới, người độc thân, thanh thiếu niên,...
Vào năm 2010, trang web The 5 love languages đã được tạo ra để làm nền tảng cung cấp các tài liệu, khóa học ngắn và bài kiểm tra tuýp ngôn ngữ trong tình yêu. Song song với đó, còn có một ứng dụng khác được gọi là Love Nudge được dùng để giúp các cặp đôi luyện tập nói chuyện với nhau mỗi ngày.
Trang web của The 5 love languages
Sở dĩ dù đã có mặt hơn 30 năm nhưng những gì mà tiến sĩ Gary Chapman đã viết nên vẫn không hề bị lỗi thời. Quan điểm này rất phù hợp với thuyết trao đổi xã hội trong mối quan hệ cho-và-nhận. Điều mà bạn mong muốn nhận được cũng cần nên được cho đi và ngược lại, khi bạn cho đi, bạn thể hiện tình yêu như thế nào thì cũng sẽ nhận lại như vậy.
Vậy lí do phổ biến của 5 love languages là gì?
-
Tăng sự hiểu biết về tình yêu và mối quan hệ: có thể nói love language xây dựng nên một khung, hay tiêu chuẩn để hiểu rõ hơn về cách mà một người nhận và truyền đạt tình yêu của mình. Nó giúp cho việc giao tiếp tình cảm trong mối quan hệ trở nên dễ dàng hơn và cũng giúp hiểu nhau hơn.
-
Tạo nên tính cách cá nhân: ngôn ngữ yêu giúp bạn phát hiện ra cách mà chúng ta cho và mong muốn nhận được trong tình yêu. Điều này giúp bạn nhìn nhận mối quan hệ và bản thân mình một cách sâu sắc hơn. Nó khuyến khích mỗi người học cách tự nhận biết và diễn đạt nhu cầu tình yêu của mình.
-
Đa dạng hóa phong cách tình yêu: nhờ có năm ngôn ngữ tình yêu mà chúng ta có thể nhận ra rằng mỗi người có những cách thể hiện và mong muốn trong tình yêu khác nhau. Nó giúp chúng ta tránh được những đánh giá và so sánh quá mức, thay vào đó là tôn trọng và đa dạng và chấp nhận các phong cách khác nhau ở từng người để thông cảm và chia sẻ nhau nhiều hơn.
-
Hiểu được tầm quan trọng của tình yêu và sự quan tâm: các loại ngôn ngữ yêu này sẽ nhắc nhở bạn về tầm quan trọng của việc truyền đạt tình yêu và sự quan tâm trong một mối quan hệ. Nó cho bạn thấy rằng, yêu không chỉ là những cảm xúc của con tim, mà còn là hành động, là sự quan tâm và chăm sóc hằng ngày lẫn nhau, để cùng nhau phát triển và xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn.
Có thể nói tóm lại, love language trở nên phổ biến vì nó mang lại sự hiểu biết, cải thiện giao tiếp và tạo ra mối quan hệ tốt đẹp hơn. Nó đề cao tình yêu và sự quan tâm trong một thế giới nơi mối quan hệ có thể trở nên phức tạp hoặc đa dạng tùy vào cách nhìn nhận của người trong cuộc. Tuy quan trọng, nhưng các loại ngôn ngữ này cũng chưa đủ để trở thành yếu tố quyết định kết quả của một chuyện tình nào cả nên cũng đừng đặt nặng vào chúng nhé.
Love language là gì? 5 loại ngôn ngữ tình yêu
4. Ngôn ngữ tình yêu nào phổ biến nhất?
Theo một cuộc khảo sát online được tiến sĩ Chapman thực hiện năm 2010 với 10k người tham gia, thì kết quả nhận lại là Words of Affirmation là ngôn ngữ của tình yêu phổ biến nhất. Nhưng đến năm 2018, khi ứng dụng Hinge ra đời thì họ lại cho kết quả Quality Time mới là kiểu love language phổ biến nhất.
Với mỗi giới tính, văn hóa, phong tục và các giá trị khác nhau sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách dùng ngôn ngữ của tình yêu khác nhau. Một số nơi có ngôn ngữ này phổ biến, nhưng ở nơi khác lại dùng kiểu ngôn ngữ khác.
Ngôn ngữ tình yêu nào phổ biến nhất?
5. Ngôn ngữ tình yêu có thay đổi hay không?
Tuy một người sẽ sở hữu một ngôn ngữ tình yêu chính, nhưng kiểu ngôn ngữ này vẫn sẽ thay đổi theo nhiều yếu tố khác nhau. Ở những vị trí, không gian, mối quan hệ khác nhau, hoặc những trải nghiệm của bạn qua những sự việc khác nhau sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng ngôn ngữ và cách truyền đạt tình yêu của mình.
Ví dụ bạn có thể thuộc tuýp người Acts of Service, nhưng với các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, bạn lại chẳng thoải mái bộc lộ kiểu quan tâm đó với họ. Hay nếu bạn là người thích dùng lời nói để động viên đối phương, nhưng họ lại từ chối hoặc không công nhận điều đó, khiến bạn trải qua những cảm xúc tiêu cực và thất vọng, thì có thể ở mối quan hệ tiếp theo, bạn sẽ hạn chế hoặc thay đổi cách nói lời yêu của mình đấy.
Ngôn ngữ tình yêu có thay đổi hay không?
6. Cách dùng love language
Những cách dùng sai ngôn ngữ tình yêu mà bạn nên hạn chế:
-
Tìm người có chung ngôn ngữ hoặc yêu cầu họ học ngôn ngữ của bạn. Nếu cả 2 dùng chung một ngôn ngữ yêu thì sẽ dễ bị “bội thực” bởi một “món ăn” cứ lặp đi lặp lại. Hoặc việc bắt buộc ai đó phải hiểu và yêu cầu họ học ngôn ngữ của bạn cũng là một cách làm sai dễ khiến chuyện tình đi vào ngõ cụt đấy.
-
Hơn thua trong tình yêu. Việc so sánh và hơn thua trong tình yêu cũng là điều mà những người đang trong một mối quan hệ nghiêm túc cần cân nhắc. Bạn không thể cho rằng “em yêu anh bao nhiêu mà anh chỉ đáp lại có bấy nhiêu”. Việc cân đong đo đếm không phải là cách nói của 5 loại ngôn ngữ tình yêu.
-
Bất chấp thể hiện và khẳng định ngôn ngữ yêu của riêng mình. Dĩ nhiên mỗi người sẽ có cách “nói” ngôn ngữ yêu khác nhau, nhưng nếu bạn cứ cố chấp mà dùng khi không phù hợp sẽ khiến đối phương hành xử tiêu cực. Điều này cực kỳ ảnh hưởng đến cả hai. Ví dụ nàng không phải là người thích kiểu ngôn ngữ Physical Touch, nhưng bạn lại cố thể hiện chúng sẽ khiến đối phương cảm thấy bị sỉ nhục hoặc không được tôn trọng.
Những cách dùng sai ngôn ngữ tình yêu
Vậy nên dùng love languages như thế nào?
-
Hiểu ngôn ngữ đặc trưng của đối phương để có hành xử phù hợp. Ví dụ, bạn biết rằng nàng là người thuộc tuýp ngôn ngữ Acts of Services thì bạn nên chủ động nhiều hơn trong những công việc cụ thể. Không cần là việc gì to tát, chỉ cần một chút ga lăng khi gạt gác chân mỗi khi nàng chuẩn bị lên xe, giúp đội mũ bảo hiểm, đi trước và mở cửa giúp,... cũng đủ khiến nàng cảm thấy yêu thương và được yêu thương.
-
Thể hiện rõ mong muốn được nhận trong tình yêu. Không phải ai cũng đủ tinh tế để có thể nhìn ra hoặc hiểu được ý muốn của bạn. Do đó, cần thẳng thắn nêu rõ về mong muốn mà bạn cần được nhận trong tình yêu để cả 2 cùng trao đổi và giải quyết triệt để.
-
Thường xuyên dành Thời gian chất lượng cho nhau để giúp bạn và người ấy hâm nóng mối quan hệ của 2 người. Nếu không phải là kiểu người thuộc tuýp có thể thích nghi khi yêu xa được thì bạn cũng không nên bắt đầu mối quan hệ ấy vì sẽ dễ cảm thấy bị xao nhãng và không thể tập trung vào nhau được.
-
Dành những lời động viên tích cực, tặng những món quà ý nghĩa không nhân dịp gì cả, hoặc trao nhau những cái ôm chia sẻ, những cái nắm tay khẳng định chủ quyền,... cũng là cách “nói” ngôn ngữ yêu mà bạn nên dùng.
Cách dùng love language đúng để duy trì mối quan hệ tốt đẹp
Lời kết
Hiểu được ai đó đã khó, nhưng để hiểu được bản thân mình còn khó hơn. Do đó, muốn được đối xử như thế nào, thì bạn cũng cần trao đi những giá trị tương tự. Đó chính là ý nghĩa mà ngôn ngữ của tình yêu mang lại. Hi vọng bạn đã hiểu được love language và 5 ngôn ngữ tình yêu là gì, đừng quên theo dõi CoolBlog để có thêm những chia sẻ về thú vị khác cũng như cập nhật các xu hướng thời trang mới nhất nhé.
“Coolmate - Nơi mua sắm đáng tin cậy dành cho nam giới.”