Trở nên “hót rần rần” trong thời gian gần đây với những ý tưởng sáng tạo mới lạ từ ngôn ngữ, hội GenZ nổi bật với những câu nói gây “bão mạng”. Cùng Coolmate khám phá ngay những ngôn ngữ GenZ độc đáo và giải mã từ điển GenZ nhé!
GenZ là gì?
Gen Z hay gọi là Thế hệ Z chính là cụm từ dùng để nói tới những người sinh trong khoảng thời gian từ 1995 tới 2012. Ngoài GenZ, thế hệ trẻ tới trưởng thành trong thập kỷ thứ 2, thế kỷ 21 còn được gọi với nhiều cái tên đa dạng như: Generation, iGeneration, Gen Wii, Zoomers, Gentech, Net Zen, Founders, Homeland Gen, …
GenZ là gì?. Nguồn: internet
Theo nghiên cứu thì thế giới hiện đang có tới 2.6 tỷ người thuộc thế hệ Gen Z, ước tính chiếm 1/3 dân số trên thế giới. Việt Nam có khoảng 25% tương đương 15 triệu dân là GenZ.
Ngày nay, cụm từ GenZ dùng để chỉ những bạn trẻ năng động, nhiều óc sáng tạo, luôn hướng tới những sự đổi mới bất ngờ, đôi khi bất ngờ tới khó hiểu với những ngôn ngữ và hành động “chẳng giống ai”. Nhưng đây lại là điểm đặc trưng giúp GenZ gần như “thống trị” Mạng xã hội trong thời gian dài.
Giải mã 10 cụm từ hot nhất GenZ
1. Lemỏn
Lemỏn = Chảnh.
Nghe như một từ viết sai chính tả nhưng thực ra Lemỏn lại là một từ tiếng lóng ngôn ngữ nửa Việt nửa Anh. Tiếng lóng này lấy từ từ gốc là Lemon - nghĩa là Quả chanh. Sở dĩ, có thể hiểu từ ngữ này rằng:
Lemỏn = Lemon + dấu hỏi
Lemon = Chanh suy ra Lemỏn = Chanh + dấu hỏi = Chảnh
“Chảnh” là một từ dùng để chỉ những người kiêu ký, chảnh chọe mà giới trẻ thường hay sử dụng. Ví dụ một trường hợp khi bạn nhắn tin cho “cờ rớt” (crush) mà mãi không được phải hồi, bạn sẽ kể với ai đó rằng:
- “ Crush tao lemỏn ghê”
2. Chằm Zn
Chầm kẻm = Trầm cảm.
Đây cũng là một trong những ngôn ngữ gen Z nổi đình đám gần đây được sử dụng khá nhiều. Từ này dùng trong trường hợp bạn bất mãn hay bó tay với một vấn đề nào đó mà thốt ra như một câu cảm thán. Chúng ta có thể giải mã từ ngữ này như sau:
Chằm Zn = Chằm kẽm (Zn là nguyên tố Kẽm trong bảng hóa học tuần hoàn) = Trầm cảm.
“Chằm kẽm” thực ra là một cách nói lái đi của Trầm cảm.
Tuy nhiên, GenZ không hay dùng từ “Chằm Zn” như một căn bệnh, mà dùng như một câu cảm thán thể hiện cảm xúc. Ví dụ khi bạn đi làm mà tới chiều mới nhớ ra chưa chấm công ban sáng, bạn sẽ thốt lên rằng “Làm sáng giờ mới nhớ ra chưa chấm công, “chằm Zn” ghê!”
3. Trmúa hmề
Chúa hề.
Nghe tưởng đâu đang học tiếng các buôn làng dân tộc Việt với nhiều chữ H, M như tên của đồng bào dân tộc. Ví dụ tên hoa hậu H’hen Nie. Thực ra Trmúa hmề chính là “Chúa hề”. Từ này mang ý nghĩa chỉ một người nào đó luôn tỏ ra rất hề hước nhưng thực tế lại rất nhạt. Người xung quanh cười vì sự nhạt nhẽo đến hề hước của họ thay vì những miếng hài được tung ra.
Cách viết chen chữ M vào giữa các chữ cái thực ra là một cách viết lái đi theo ngôn ngữ GenZ. Cách viết này khiến cho từ ngữ trông mới mẻ và hấp dẫn hơn. Ví dụ về cách sử dụng, khi một ai đó suốt ngày trêu bạn cười, bạn có thể đặt cho người đó biệt danh là Trmúa hmề.
4. Khum
Em khum biết.
Từ này thì đơn giản hơn, Khum thực ra có nghĩa là Không. Tùy theo vùng miền mà từ Không trong tiếng Việt cũng được gọi theo nhiều cách như: hông, hong, hơm, hỏng, ko, … Thế nhưng theo từ điển GenZ thì Khum có nghĩa là Không.
Khum = Không
Ví dụ sử dụng:
- Đi trà sữa khum?
- Áo này đẹp khum?
Ngoài cách sử dụng hay ho thì từ Khum thay thế cho Không cũng khiến người nghe có ấn tượng hơn về cách trả lời của bạn.
5. Phanh xích lô
Phanh xích lô. Nguồn: internet
Câu nói này bỗng trở nên hot hit sau khi bộ phim Phía trước là bầu trời được tìm kiếm trở lại. Các bạn trẻ trong phim có một bối cảnh bàn về những người yêu nhau đang làm gì? Và từ “phanh xích lô” ra đời. Vậy từ này có nghĩa gì?
Thực ra, đây là từ ngữ tượng thanh tạo tượng hình. Phanh xích lô chính là hành động bóp phanh chiếc xe đang chạy, khi đó phanh sẽ tạo ra tiếng “kít kít”
Kít = Kiss = Hôn
Vậy nên Phanh xích lô chính là ám chỉ hành động Hôn của các thần dân GenZ.
6. Xu cà na
Xu cà na.
Khỏi phải bàn tới độ viral của từ ngữ này khi “xu cà na” xuất hiện khắp các mặt trận trên mạng xã hội. Xu cà na thực tế mang ý nghĩa là xui xẻo, xu = xui, nên Xu cà na là một cụm từ dùng để chỉ sự xui xẻo.
Ví dụ trong cách sử dụng ngôn ngữ này, hôm nào đó sáng tinh mơ đẹp trời vừa make up lồng lộn váy vóc xinh tươi định đi dạo thì trời đổ mưa. Bạn sẽ thốt lên rằng “Xu cà na quá đi”.
7. Sin lũi
Xin lỗi.
Sin lũi = xin lỗi.
Trong cuộc sống, từ xin lỗi đôi khi rất khó nói, nhất là với người yêu, người thân hay những người bạn thân của bạn. Trong trường hợp phải xin lỗi mà ngại ngần, hội GenZ đã phát minh ra một ngôn ngữ rất mới lạ là “sin lũi” - viết lái đi của từ “xin lỗi” thuần túy. Cách nói từ này cũng tạo ra một trạng thái vui vẻ, có chút hài hước và khiến cho câu xin lỗi trở nên nhẹ nhàng thoải mái với cả đôi bên. Người nghe đôi khi còn chấp nhận nhanh hơn vì sự hài hước của bạn.
Ví dụ khi xin lỗi đứa bạn thân, bạn chỉ cần làm vẻ mặt thành tâm và nói “Sin lũi nha”, chắc chắn bạn thân của bạn sẽ mềm lòng sớm thôi.
8. Mlem Mlem
Mlem mlem
Mlem mlem vốn là ngôn ngữ GenZ dùng để cảm thán một điều gì đó ngon, đẹp mắt. Thông thường từ này sẽ được dùng cho đồ ăn. Nhưng sau đó, khi từ ngữ đã trở nên viral hơn thì còn được dùng như một lời khen cho những điều có thẩm mỹ đẹp.
Ví dụ thường thấy nếu ai đó đăng một bức ảnh xinh đẹp thần thái lên mạng xã hội, bên dưới sẽ xuất hiện những câu khen đại loại như “Dạo này trông mlem vậy bà” …
9. J z tr
Gì vậy trời. ?
Đây là một cụm từ viết tắt. Ý nghĩa vốn có của nó là:
-
J = gì
-
Z = zậy = vậy
-
Tr = tròi = trời
“J z tr” là viết tắt của cụm từ Gì vậy trời? Tuy nhiên, theo từ điển của hội GenZ thì từ này được dùng với ý nghĩa cảm thán kiểu ngạc nhiên, hoặc có chút bất lực trong một vấn đề nào đó. Dưới đây sẽ là 2 ví dụ thường gặp:
- Ví dụ 1: Sáng sớm đi làm vội không may va quệt với góc bàn làm rách áo, GenZ sẽ cảm thán trong sự bất lực rằng “J z tr”
- Ví dụ 2: Bạn được tặng một món quà bí mật nặc danh, câu đầu tiên GenZ thường hay cảm thán lúc này cho sự tò mò bất ngờ sẽ là “J z tr”
10. Gòy Sog
Rồi xong!
Gòy = Rồi
Sog = Xong
Gòy Sog có nghĩa là “rồi xong”. Đây cũng là một câu cảm thán mà GenZ hay sử dụng trong những trường hợp bất lực, nuối tiếc hay hối hận vì một điều gì đó đã diễn ra.
Ví dụ nếu bạn đang lỡ miệng buôn dưa nói xấu sếp mà sếp bất thình lình xuất hiện sau lưng, tất cả những gì bạn có thể làm lúc đó là thì thầm trong miệng “Gòy Sog”.
Một số cách sử dụng ngôn ngữ GenZ
1. Nửa Anh nửa Việt
Phong cách nửa Anh nửa Việt
Nửa anh nửa Việt là kiểu kết hợp ký tự tiếng Anh với dấu của tiếng Việt hoặc viết theo font telex để “Việt hóa” từ tiếng Anh đó mà vẫn tạo nên ý nghĩa đúng của từ. GenZ rất thông minh trong cách biến hóa ngôn từ này. Cùng cập nhật ngay một số từ theo trường phái nửa này nửa kia này nha:
-
Fishu = Fish + u = Cá + u = Cáu
-
Bigc = Big + c = Bự + c = Bực
-
Pềct = Perfect = Hoàn hảo
-
Rếpct = Respect = Bái phục
-
Uistroi = U is troi = U là trời
-
Fourk = Four + K = Bốn + k = Bốnk = Bống
-
No star where = không sao đâu.
2. Nửa Thái nửa Việt
Tiếng Việt kiểu tiếng Thái
Tương tự như trên, nhưng kiểu tiếng Thái xen tiếng Việt lại là một trào lưu khác. Công thức của kiểu nói theo tiếng Thái này là thêm dấu huyền vào từ vốn có, sau đó dùng phần vần của từ đó kết hợp với âm Kh tạo âm sắc như tiếng Thái, các từ ngữ còn lại sẽ tương tự.
Ví dụ:
- Tên bạn là Lê Minh Tú thì khi đọc theo kiểu tiếng Thái sẽ là Lề Khê Mình Khinh Tù Khu.
- Ê đi ăn bùn khun bò kho không? (Ê đi ăn bún bò không?)
3. Nói ngọng bất chấp
Nói ngọng phong cách
Kiểu nói ngọng nói lái của GenZ thì phải gọi là đỉnh cao khi cũng là một từ ngữ, nhưng biến cách nói trở nên hài hước tạo tiếng cười và tự nhiên hơn. Thậm chí nghe thôi cũng tưởng tượng được sắc thái người nói khi đó ra sao rồi. Ví dụ một số ngôn ngữ GenZ hay nói ngọng như sau:
- Gòi song: Rồi xong/ Thôi xong rồi
- Trài ai: Trời ơi
- Trài đấc ai: Trời đất ơi
- Zụ zì zợ: Vụ gì vậy/ Có chuyện gì vậy?
- Oét ô oét : SOS
- Chầm kẽm: Trầm cảm
- Chớt tui gòi: Chết tôi rồi
- Xu ghê: Xui ghê
- Géc gô: Let’s go
4. Cập nhật câu nói hot trend
GenZ biến ngôn ngữ tiếng Việt nói chung thành ngôn ngữ thế hệ riêng nhờ sự thể hiện cảm xúc qua ngôn từ, đa phần là hướng tới sự hài hước vui vẻ. Ngoài ra, GenZ cũng được xem là “thánh cập nhật” khi liên tục cập nhật vào từ điển GenZ những cụm từ hay câu nói cửa miệng bất hủ bỗng viral trên mạng xã hội. Ví dụ:
- Ô dề: Xuất phát từ video hài có câu thoại “làm vừa thôi làm quá nó ô dề”, từ đó “ô dề” dùng để chỉ những sự việc làm quá trong bất kỳ mọi trường hợp nào.
- Ủa alo: Ủa là từ ngữ được GenZ dùng cho việc bất ngờ về một sự việc nào đó, mang tính là tưởng như đã xong nhưng thực tế lại chưa.
- Pha ke: Từ gốc tiếng Anh là Phake - dùng để chỉ những thứ nhái, không thật
- Gút chóp em: Là một câu khen hi ai đó làm điều gì đó tốt…
Tổng kết
Ngôn ngữ GenZ đúng là một bầu trời mới lạ và nhiệm màu, chắc hẳn nhiều người sẽ bất ngờ ngã ngửa với cách sử dụng từ ngữ này. Tuy nhiên đây cũng là một làn gió mới giúp GenZ trở nên gần gũi hơn với các thế hệ. Theo dõi chúng mình để cập nhật thêm nhiều thông tin bất ngờ nha.
Đừng quên theo dõi CoolBlog để cập nhật những xu hướng mới nhất của thời trang nhé!
Coolmate - Nơi mua sắm tin cậy của nam giới!
Đôn Chề là gì? Tất tần tật mọi thứ về xu hướng Đôn Chề hiện nay
Còn cái nịt là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của hot trend Còn cái nịt của GenZ
Thế hệ millennials là gì? Sự khác biệt giữa thế hệ Millennials và Gen Z