Sống thử đã không còn quá xa lạ với thế hệ GenY, GenZ hiện nay, nhất là khi rời xa vòng tay gia đình và bước chân vào môi trường mới lạ. Sống thử là chủ đề được rất nhiều người bàn luận, thậm chí là tranh cãi gay gắt bởi những hậu quả khó lường mà nó gây ra.
Dưới mỗi góc nhìn khác nhau, sống thử được đề cập với nhiều khía cạnh hoàn toàn không giống nhau. Trong bài viết này, hãy cùng Coolmate bàn luận về vấn đề Có nên sống thử trước hôn nhân hay không? Nam giới có nên sống thử trước khi kết hôn không?
Sống thử là gì?
Sống thử được hiểu là việc một cặp nam nữ về sống chung với nhau tương tự như vợ chồng hợp pháp nhưng giữa họ không có mối ràng buộc về pháp luật hay hôn lễ. Chúng ta có thể hiểu ngắn gọn sống thử là việc sống chung như vợ chồng phi hôn nhân.
Dưới góc độ của Luật, theo khoản 7 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã chỉ rõ, sống thử được định nghĩa là việc chung sống như vợ chồng, thể hiện việc nam và nữ tổ chức sống chung và xem nhau như vợ chồng.
Thế hệ giới trẻ hiện nay xem việc sống thử là một việc hoàn toàn bình thường và “cần thiết” trong một mối quan hệ. Các cặp đôi sống chung với nhau một thời gian rồi chia tay và tiếp tục sống chung với người khác.
Sống thử bắt nguồn từ đâu?
Sống thử như một trào lưu mới đang nở rộ và lan truyền nhanh chóng, có khá nhiều nguyên nhân khiến giới trẻ ưa chuộng như: yếu tố xã hội, gia đình và sự tò mò, chủ quan.
-
Yếu tố xã hội: Ở các nước phương Tây, việc sống thử trước hôn nhân là một việc rất bình thường và được phụ huynh hai bên gia đình chấp nhận. Còn ở Việt Nam, cuộc “cách mạng tình dục” kết hợp với phong trào hippie đã góp phần giúp giới trẻ có cái nhìn thoáng hơn về tình dục, thay đổi tư duy lỗi thời. Tuy nhiên điều này đã vô tình dẫn tới việc giới trẻ cho rằng đây là xu hướng cách tân, hiện đại và đáng được học hỏi.
-
Yếu tố gia đình: Gia đình luôn là một trong những nguyên nhân lớn tác động tới tâm lý của giới trẻ. Phần đông thế hệ GenZ đều e ngại trong vấn đề kết hôn và không tin tưởng vào các mối quan hệ hôn nhân lâu dài, chịu trách nhiệm ràng buộc với giấy tờ pháp lý.
-
Yếu tố chủ quan: Việc sống thử cũng xuất phát từ yếu tố chủ quan, sự tò mò và muốn trải nghiệm những cái mới mẻ giữa hai người. Sống thử chạy theo trào lưu để được “bằng bạn bằng bè” một cách mù quáng. Hơn hết, đó là bản ngã của phần “con” trong người của chúng ta khi muốn thỏa mãn tình dục nhưng không muốn bị ràng buộc, chịu trách nhiệm.
Sống thử có những mặt tích cực nào?
Việc thảo luận về vấn đề sống thử luôn là chủ đề khá nhạy cảm và nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Ngoài những vấn đề tiêu cực, sống thử cũng mang đến những mặt tích cực. Đây cũng là một trong những lý do khiến GenZ “đâm lao” một cách mù quáng.
-
Cặp đôi có nhiều thời gian bên nhau: Thay vì hai người có khoảng cách về địa lý, sống chung là cách tốt nhất để các cặp đôi có nhiều thời gian bên nhau sau mỗi ngày đi làm, đi học.
-
Giảm thiểu gánh nặng tài chính: Thuê nhà chung giúp cả hai người giảm thiểu tối đa được chi phí ăn ở, di chuyển, sinh hoạt
-
Hiểu rõ về con người, lối sống của đối phương: Thường xuyên tiếp xúc và thấy được cách sống của đối phương sẽ giúp bạn có được cái nhìn chính xác nhất về họ trước khi tính tới chuyện lâu dài
-
Kiểm tra được sự hoà hợp: Sự khác nhau về suy nghĩ, tư duy, lối sống, thậm chí là mức độ chung thuỷ sẽ được giải quyết khi hai người về sống chung với nhau.
-
Mối quan hệ bền chặt hơn: Yếu tố này chỉ mang tính chất khách quan. Các cặp đôi sống chung với nhau thường xảy ra ít cãi vã và mức độ rạn nứt thấp hơn so với những người không sống thử.
Mặc dù sống thử có khá nhiều lợi ích, tác động trực tiếp tới tình cảm, tài chính, tuy nhiên trước khi quyết định sống chung, bạn nên đặc biệt lưu ý một số vấn đề như:
-
Có biện pháp bảo vệ sức khoẻ và biết cách phòng tránh thai phù hợp với bản thân
-
Tìm hiểu kỹ về luật hôn nhân và gia đình, luật dân sự để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân nếu xảy ra tranh chấp
-
Tìm tới sự giúp đỡ của pháp luật nếu bị bạo hành về thể xác và tinh thần.
Sống thử có vi phạm pháp luật không?
Nhiều người thắc mắc, sống thử có vi phạm pháp luật không? Việc sống thử giữa nam và nữ hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Điều 14 luật Hôn nhân và gia đình có quy định rõ về việc nam và nữ có đủ điều kiện kết hôn, chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa hai bên.
Nếu cả nam và nữ đều độc thân muốn sống thử thì không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu một trong hai đã có vợ/chồng và chưa ly hôn trên giấy tờ pháp lý thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc này đã được quy định rõ tại Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình cụ thể như sau:
Người đang có vợ/chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng (sống thử). Hoặc đối tượng là người độc thân nhưng vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đã có hôn thú, người này biết rõ việc đối phương đang có chồng/vợ thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ tới 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 1 năm nếu:
-
Làm cho quan hệ hôn nhân của 1 hoặc 2 bên dẫn tới ly hôn
-
Đã bị xử phạt hành chính về việc này nhưng vẫn vi phạm
Phạt tù từ 6 tháng - 3 năm nếu phạm tội một trong 2 trường hợp sau:
-
Làm cho vợ/chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát
-
Đã nhận được quyết định của Toà án về việc huỷ kết hôn hoặc buộc chấm dứt chung sống như vợ chồng nhưng vẫn duy trì quan hệ đó.
Ngoài ra, sống thử vi phạm pháp luật nếu phạm phải một trong những trường hợp dưới đây:
-
Một trong hai người chưa đủ 16 tuổi, người còn lại nếu trên 16 tuổi trở lên thì sẽ vi phạm Điều 115 bộ Luật hình sự về hành vi giao cấu với trẻ em
-
Một trong hai bên có hành vi bạo hành về thể xác và tinh thần đã được quy định tại điều 134 bộ Luật hình sự 2015 tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác
-
Ép buộc đối phương sống chung khi chưa nhận được sự đồng ý từ họ
Rủi ro tiềm ẩn khi sống thử
GenZ cho rằng, việc sống thử trong thời hiện đại là hoàn toàn bình thường, thậm chí là mặc định cứ yêu nhau là sẽ sống thử. Tuy nhiên, việc sống cùng nhau mà không đăng ký kết hôn sẽ mang tới rất nhiều rủi ro nguy hiểm, cụ thể là:
Rủi ro về mặt cảm xúc
Khi chúng ta chưa có suy nghĩ chín chắn và nhận thức đúng đắn về chuyện gia đình thì việc sống thử sẽ là con dao khiến cả hai nhanh chóng bị chán. Một khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì cảm xúc dễ dàng bị phai nhạt, và xem như tình cảm đó là điều hiển nhiên.
Lúc bấy giờ, việc tiến đến hôn nhân và hợp thức hóa mối quan hệ rất khó xảy ra. Đối với các bạn trẻ, nếu sống thử đã không hợp, dễ xảy ra xích mích thì càng không nên có ràng buộc sau này.
Rủi ro về sức khỏe, thể xác
Có một thực tế đáng báo động là những bạn trẻ thích sống thử hiện nay đều là những người chưa có kinh nghiệm sống, còn tò mò về thế giới xung quanh. Đặc biệt, họ chưa có đủ khả năng tài chính để tiến tới hôn nhân và chăm lo cho gia đình sau này.
Rủi ro về vấn đề sức khoẻ và cơ thể khi quan hệ tình dục, mang thai ngoài ý muốn khi sống chung rất đáng báo động. Đã có rất nhiều trường hợp nạo phá thai ngoài ý muốn, thậm chí là sinh con ra và bỏ rơi chúng. Việc nạo phá thai không chỉ nguy hiểm tới tính mạng mà còn để lại hậu quả nặng nề sau này, người phụ nữ rất khó có khả năng mang thai.
Những cặp đôi sống thử mà không có hôn thú rất dễ có người thứ ba, bởi giữa họ không hề có ràng buộc về pháp lý, về trách nhiệm của bản thân với mối quan hệ giữa hai bên. Ngoài ra, thường xuyên xảy ra bất đồng về quan điểm cũng dễ dẫn tới bạo hành về tinh thần, thể xác ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của bên còn lại.
Nam giới có nên sống thử không?
Dù về mặt pháp luật, sống thử khi hai người đang trong tình trạng độc thân không vi phạm luật, tuy nhiên chúng tôi khuyến khích bạn không nên sống thử. Xét về mặt đạo đức, văn hoá của người Việt thì sống thử là việc không được ủng hộ, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và gia đình.
Chính bản thân người sống thử cũng phải hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề như dễ mắc bệnh lây qua đường tình dục, dễ mất niềm tin vào tình yêu, buông thả bản thân,... Ám ảnh về tâm lý và sức khỏe bị ảnh hưởng sẽ là rào cản để bạn có thể bước tới một cuộc hôn nhân viên mãn.
Thực tế, theo số liệu của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Ánh sáng, chỉ 10 - 15% các cặp đôi sống thử đi tới hôn nhân, số còn lại đều chia tay. Một khảo sát khác ở đại học Y dược Thái Nguyên cho thấy, 100 người sống thử có quan hệ tình dục thì chỉ có 48 người là sử dụng biện pháp tránh thai, 43 có thai ngoài ý muốn và quyết định phá thai thì chỉ có 36 người sẽ cưới. Và còn rất nhiều trường hợp tệ hơn nữa.
Sống thử không phải xu hướng cũng không phải là một tệ nạn, nhưng giới trẻ hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có cái nhìn đúng đắn nhất về việc sống thử. Hãy chia sẻ ý kiến của bạn cho Coolmate biết về việc này bằng cách bình luận ở phần dưới nhé.
“Coolmate - địa chỉ mua sắm đáng tin cậy cho nam giới”
>>> Xem thêm:
Còn cái nịt là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của hot trend Còn cái nịt của GenZ