Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ lớn nhất năm đối với người Việt Nam. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển đổi giữa năm cũ và năm mới theo âm lịch, đồng thời là dịp để con cháu khắp nơi trở về nhà, cùng đoàn tụ với gia đình sau một năm làm việc bận rộn. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Coolmate tìm hiểu một số thông tin về chủ đề Tết Nguyên Đán là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục ngày Tết Nguyên Đán.
Tết Nguyên Đán là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục ngày Tết Nguyên Đán
1. Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán là một ngày lễ truyền thống của người Việt Nam, được tổ chức nhằm đánh dấu những ngày đầu tiên của năm mới theo lịch Âm, thời điểm chuyển giao giữa năm trước và năm kế tiếp. Tết Nguyên Đán còn được gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch hoặc Tết Cổ truyền. Tên tiếng Anh của Tết Nguyên Đán là Lunar New Year, phân biệt với Tết Dương lịch (New Year).
Tên gọi Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ tiếng Hán Việt. Theo đó, hai chữ "Nguyên đán" là một danh từ chữ Hán, người xưa thường lấy ngày thứ nhất của một năm gọi là Nguyên đán. "Nguyên" mang nghĩa là đầu và "đán" có nghĩa là buổi sớm. "Tết Nguyên đán" chính là buổi sớm đầu năm.
Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán được xem là ngày lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Không chỉ riêng Việt Nam mà một số quốc gia khác tại Đông Á cũng có dịp Tết này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore hay Malaysia,… vì cùng có chung nguồn gốc từ nền nông nghiệp lúa nước và áp dụng quy ước chia một năm thành 24 tiết nên các quốc gia này cũng sử dụng lịch Âm và có ngày Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán là dịp để mọi người thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn và cùng chúc phúc cho nhau, là khoảng thời gian đầy ý nghĩa và khởi đầu cho năm mới may mắn tài lộc theo quan niệm của người Á Đông.
Tết Nguyên Đán được xem là ngày lễ lớn và quan trọng nhất trong năm
2. Thời gian của Tết Nguyên Đán được tính như thế nào?
Về góc độ thiên văn học, thời gian của Tết Nguyên Đán được tính theo chu kỳ của mặt trăng, vì vậy thời điểm của Tết Nguyên Đán có thể thay đổi từ năm này sang năm khác (nếu tính theo ngày Dương lịch) hay còn gọi là năm nhuận hoặc năm không nhuận. Tết Nguyên Đán được tính theo Âm lịch và muộn hơn Tết Dương lịch.
Theo quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán sẽ không bao giờ trước ngày 21/01 Dương lịch và sau ngày 20/2 Dương lịch mà chỉ rơi vào giữa những ngày này.
Dịp Tết Nguyên Đán thường bắt đầu từ ngày 29 - 30 tháng Chạp (hay 30 Tết âm lịch) và kéo dài đến hết ngày mùng 10 Tết theo lịch Âm. Người dân thường sẽ được nghỉ trong khoảng thời gian từ 7 – 10 ngày nhân dịp Tết Nguyên Đán hằng năm, từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 05 hoặc mùng 07 Tết vào tháng Giêng theo lịch Âm.
Thời gian của Tết Nguyên Đán được tính như thế nào?
Theo lịch vạn niên, năm 2024 là năm Giáp Thìn, mùng 1 Tết Nguyên Đán năm nay sẽ rơi vào ngày 10 tháng 2 Dương lịch. Người dân tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước sẽ được nghỉ lễ theo lịch nghỉ được ban hành từ Nhà nước Việt Nam. Lịch nghỉ chính thức kéo dài 7 ngày, từ ngày 08/02/2024 – 14/02/2024 theo Dương lịch.
Việc tính toán thời gian theo lịch âm cũng tạo nên sự độc đáo và sâu sắc trong lịch sử văn hóa, đây được đánh giá là đỉnh cao của sự kết hợp giữa tri thức về thiên văn học, truyền thống tâm linh và kiến thức nông nghiệp.
Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2024
3. Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán có nguồn gốc như thế nào cho đến nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều thông tin cho rằng Tết Nguyên Đán được bắt nguồn từ Trung Hoa cổ, sau đó du nhập vào nước ta trong khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra một số bằng chứng cho thấy Tết Nguyên Đán từ lâu vốn đã là Tết của người Việt cổ. Một trong những bằng chứng được trích dẫn nhiều nhất là sự tích “Bánh chưng bánh dày”. Nội dung truyện đã cho thấy phong tục làm bánh chưng bánh dày và Tết đã xuất hiện từ thời vua Hùng, trước cả thời kì Bắc thuộc rất nhiều năm.
Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán
Dẫn chứng thứ hai trích từ cuốn “Kinh Lễ” của Khổng Tử. Tại đây, ông đã viết “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man”. Người Man - Nam Man, ý chỉ các bộ lạc dân tộc ngoài Trung Hoa cổ đại nằm ở phía nam Trung Quốc, tức là Đại Việt bấy giờ.
Bên cạnh đó, về tên gọi và quy ước thời gian, Tết Âm lịch nước ta được gọi là Tết Nguyên Đán, trong khi Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc là ngày 1 tháng 1 dương lịch còn Tết Âm lịch được gọi là Xuân Tiết. Thời gian vui Tết Âm lịch của Trung Quốc rất dài, từ mùng 8 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng, hơn 30 ngày.
Từ đây, có thể khẳng định rằng, Tết Nguyên Đán là Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Tuy vậy, trong thời kì Bắc thuộc, dịp lễ này đã chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Trung Quốc nên một số phong tục và nghi lễ có phần giống nhau, gây nên sự hiểu nhầm về nguồn gốc.
Tết Nguyên Đán là Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam
4. Ý nghĩa của ngày Tết
Tết Nguyên Đán được xem là ngày giao hoà giữa trời và đất, giữa con người và thần linh. Do đó, nhiều người tin tưởng rằng những suy nghĩ, mong ước và hành động của bản thân sẽ được các vị thần linh lắng nghe, thấu hiểu và ban phước lành. Đồng thời, những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau trong năm mới cũng là một cách để trao đi những điều tốt đẹp đến người thân, bạn bè.
Tết Nguyên Đán cũng là dịp mọi người thể hiện sự yêu thương, quan tâm, là ngày sum họp đoàn viên, yêu thương, hoà thuận. Không phải ngẫu nhiên mà Tết Nguyên Đán còn được gọi là Tết sum vầy. Ngày Tết là dịp để những người đi xa trở về nhà, là dịp để anh em, con cháu, bạn bè sum họp, kể cho nhau nghe về những gì đã làm được trong năm cũ và những dự định trong năm mới.
Tết Nguyên Đán là ngày sum họp đoàn viên
Tết Nguyên Đán còn mang ý nghĩa hướng về cội nguồn và sự tạ ơn với thế hệ đi trước. Trước đêm giao thừa, nhiều gia đình có tập tục tảo mộ hoặc đến thắp hương mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Đây là một hành động thiêng liêng nhằm thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, thế hiện lòng hiếu kính và biết ơn.
Ngày Tết cũng là ngày được nhiều người quan niệm là ngày thần Tài gõ cửa để ban tiền tài, sự thịnh vượng và sung túc. Một số gia đình còn có tập tục xông đất vào ngày Tết, mở cửa để chào đón những vị khách đầu tiên bước vào nhà, mang lại niềm vui, sự phấn khởi, những hy vọng, may mắn và tài lộc.
Tết Nguyên Đán còn mang ý nghĩa hướng về cội nguồn
Người Việt tin rằng ngày Tết là ngày khởi đầu cho một năm mới, là ngày của sự đổi mới với niềm vui mới, tạm biệt những điều không tốt của năm cũ. Do đó, theo truyền thống, mọi người sẽ tân trang lại nhà cửa cho sạch đẹp, ngăn nắp và cùng chào đón những điều tốt đẹp phía trước. Những gì không may mắn, không thuận lợi của năm cũ sẽ được xua đi để đón nhận những điều may mắn, lạc quan và hy vọng.
Tất cả những ý nghĩa trên góp phần làm cho Tết Nguyên Đán ngày càng trở nên đặc biệt vì không những chỉ là một lễ hội mang tính tâm linh mà còn phản ánh sự hạnh phúc và biết ơn đối với những gì đang có và sự hy vọng cho cuộc sống ngày mai.
Tết là ngày khởi đầu cho một năm mới, là ngày của sự đổi mới với niềm vui mới
Xem thêm: 100+ những câu chúc tết sếp hay ngắn gọn, đầy ý nghĩa năm 2024 Top 10+ những địa điểm đi chơi xuyên Tết về đêm ở Sài Gòn cực thú vị 12 mẫu khắc chữ dưa hấu cực đẹp để trang trí mâm cỗ ngày Tết
Bài viết đã giới thiệu đến bạn thông tin về nội dung Tết Nguyên Đán là gì cũng như nguồn gốc ý nghĩa phong tục ngày Tết Nguyên Đán. Hy vọng bạn đã nắm được các nội dung bổ ích từ bài viết. Hãy theo dõi CoolBlog để cập nhật thường xuyên những chia sẻ cũng như các thông tin bổ ích về thời trang hằng tuần nhé.
Coolmate - Nơi mua sắm đáng tin cậy dành cho nam giới