Thời trang Metaverse: Bước tiến của thời trang vào vũ trụ ảo

Vũ trụ thời trang ảo không chỉ là cột mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp xa xỉ, mà còn là nền tảng cho sự mở rộng của khái niệm thời trang Metaverse.

Ngày đăng: 26.07.2022, lúc 11:38 2.372 lượt xem

Châu Bùi và NTK 3D Huân Lei kết hợp trong các dự án 3DTrong bối cảnh vũ trụ ảo đang dần được mở rộng và hiện thực hóa một cách nhanh chóng. Thế giới thời trang cũng đã có sự chuẩn bị đáng kể để từng bước tiến vào “vùng đất hứa” đầy tiềm năng này. Hãy cùng Coolmate điểm lại những bước đầu đáng chú ý của thời trang Metaverse trong thời gian vừa qua nhé!

Thời trang Metaverse: Bước tiến của thời trang vào vũ trụ ảo

Thời trang Metaverse: Bước tiến của thời trang vào vũ trụ ảo

Metaverse là gì?

Đối với nhiều người, “vũ trụ ảo” chỉ như một bộ phim khoa học viễn tưởng phi thực tế mới được trình làng. Tuy nhiên, nó đã thoát khỏi màn hình chiếu trong rạp phim và “rơi” vào tầm tay bạn, trong một “xã hội số” mà chúng ta đã sớm không thể sống thiếu. 

Mặc dù Metaverse chỉ mới trở thành tâm điểm của sự chú ý trong thời gian gần đây. Song, trên thực tế, khái niệm về một vũ trụ ảo đã được hình thành từ rất lâu. Thậm chí, nó đã từng xuất hiện trong các tác phẩm văn hóa - giải trí kinh điển. Nổi bật như những cái tên đình đám Ready Player One (2018), The Matrix (Ma Trận), series Black Mirror…

Về cơ bản, khái niệm Metaverse là dùng để chỉ một thế giới ảo, nơi có thể tái hiện đời sống thực dựa trên nền tảng số. Tại đó, con người có thể đắm chìm và tương tác đa chiều trong không gian kỹ thuật số một cách trực tiếp, dựa trên sự tương hỗ của các công nghệ tối tân trong nhiều năm vừa qua.

Khái niệm Metaverse là dùng để chỉ một thế giới ảo

Khái niệm Metaverse là dùng để chỉ một thế giới ảo

Chẳng hạn như Virtual Reality (thực tế ảo), nền tảng Blockchain, Augmented Reality (thực tế tăng cường) và dĩ nhiên là kết nối Internet. Với nền tảng đồ sộ được đầu tư xây dựng bởi những “gã khổng lồ” công nghệ như Google, Meta (Facebook cũ), Microsoft,… Metaverse đã trở thành vùng đất phát triển kinh tế tiềm năng cho rất nhiều lĩnh vực.

Trong khi những công ty tổ chức sự kiện đã rục rịch thử nghiệm các sự kiện ảo - Virtual Event - nơi người tham dự có thể tham gia từ xa mà không cần phải trực tiếp đến một địa điểm nhất định nào đó. Thì các công ty game cũng tận dụng công nghệ Blockchain cùng NFT để xây dựng concept game P2E (Play To Earn) - nơi người chơi có thể chủ động tạo ra tài sản và kiếm tiền từ không gian kỹ thuật số.

Trong bối cảnh đó, thế giới thời trang dĩ nhiên cũng sẽ không nằm ngoài làn sóng này. Bước sang năm 2022, ngành công nghiệp tỷ đô ấy cũng sẽ không bước ra khỏi xu thế mới của thời đại. Với vị thế là ngành tạo nên các trào lưu thịnh hành của xã hội, có thể nói tiềm năng phát triển của thời trang trong vũ trụ Metaverse là cực kỳ khổng lồ.

Ngành công nghiệp may mặc sẽ không bước ra khỏi xu thế mới của thời đại

Ngành công nghiệp may mặc sẽ không bước ra khỏi xu thế mới của thời đại

Thời trang Metaverse là gì?

Metaverse là một không gian ảo, con người có mặt và tương tác trong đó dưới hình hài cụ thể tương tự như những loại game nhập vai. Về cơ bản, Metaverse có thể được ví như một “phiên bản sống” và mở rộng hơn của mạng xã hội.

Và dù ở bất kỳ không gian nào, từ đời thực, social media cho đến Metaverse thì nhu cầu thể hiện bản thân cũng như kết nối đam mê với những người có cùng sở thích theo cách trực quan nhất, thông qua thời trang chỉ có thể tăng chứ không bị suy giảm theo thời gian.

Thời trang Metaverse chính là thời trang ảo được dùng cho thế giới ảo này. Thậm chí, thời trang Metaverse đã có từ khá lâu trước cả khi được “điểm mặt đặt tên” với hình hài là những bộ skin (trang phục trong game 3D).

Thời trang Metaverse là thời trang ảo được dùng cho thế giới ảo

Thời trang Metaverse là thời trang ảo được dùng cho thế giới ảo

Có lẽ khái niệm này sẽ khá quen thuộc đối với các game thủ - những người luôn sẵn sàng chịu chi để đầu tư các bộ skin. Bởi điều đó nhằm khẳng định cá tính cũng như nâng tầm đẳng cấp cho nhân vật trong game của họ. Theo Forbes Việt Nam, doanh thu từ thời trang Metaverse chỉ tính riêng trong game ước tính mỗi năm đã thu về đến 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, con người giờ đây không chỉ gặp nhau trên game 3D như trước kia. Robert Triefus - Giám đốc Marketing của Gucci đã chia sẻ: “Càng ngày sẽ càng có nhiều ‘thế giới thứ hai’, nơi chúng ta thể hiện bản thân bằng những sản phẩm và nhân cách ảo”.

Đó là những hoạt động trực tuyến như học tập, show diễn, họp mặt, sự kiện ra mắt sản phẩm,… Và đi cùng với sự tăng lên của nhu cầu cho những bộ trang phục ảo, thời kỳ bùng nổ của thời trang Metaverse cũng chính thức bắt đầu.

Bước tiến mới của cặp đôi Thời trang - Công nghệ

Để khái quát về bước tiến mới của ngành công nghiệp may mặc vào Metaverse, chúng ta có thể nhớ lại sự chuyển mình của các thương hiệu thời trang cao cấp lên những nền tảng mạng xã hội. Điển hình như Facebook, Instagram hay gần đây nhất là TikTok nhằm tiếp cận rộng hơn với tệp khách hàng trẻ vào vài năm trước.

Bước tiến mới của cặp đôi Thời trang - Công nghệ

Bước tiến mới của cặp đôi Thời trang - Công nghệ

Chính điều này đã mở ra tiềm năng vô hạn cho các thương hiệu thời trang. Giờ đây, những thương hiệu đình đám có thể đầu tư tạo nên các sản phẩm ảo cho không gian kỹ thuật số. Đồng thời có thể thu về lợi nhuận thực sự thông qua nền tảng NFT (Non-fungible Token) – công nghệ cho phép người dùng sở hữu tài sản trong thế giới ảo. Bên cạnh đó, việc sản xuất các sản phẩm cho thời trang Metaverse còn tránh được vấn đề tồn kho - một bài toán nhức nhối của ngành may mặc từ trước đến nay

Metaverse dần trở thành mảnh đất màu mỡ để khai thác tài nguyên cũng như khách hàng, nơi “tín đồ thời trang” đang rất tích cực khẳng định sự tồn tại của bản thân. Từ những thương hiệu đường phố cho đến các nhà mốt xa xỉ, tất cả đều đẩy mạnh tài chính và chất xám cho những bộ trang phục bạn không thể chạm vào. Tuy nhiên, mở rộng thị trường và marketing liệu có phải lý do lớn nhất để thời trang Metaverse trở thành xu thế?

Metaverse giờ đây đã trở thành lãnh địa mới mà ngành may mặc đang muốn du nhập vào. Sự thức thời và nhanh chóng của toàn ngành chưa bao giờ vì ngẫu nhiên mà là có lý do. Đó không phải là một sự “bắt trend” nông nổi mà hoàn toàn mà một âm mưu đột phá của ngành công nghiệp tỷ đô. Thị trường Metaverse được ước tính sẽ đạt mức $800 tỷ trong vòng 4 năm. Trong khi đó, nỗ lực để thương mại hóa NFT của nhiều ông lớn cũng rất đáng chú ý với những con số ấn tượng về doanh thu.

The Impossible Tiara NFT thuộc Bộ sưu tập Collezione Genesi của Dolce & Gabbana

The Impossible Tiara NFT thuộc Bộ sưu tập Collezione Genesi của Dolce & Gabbana

Những thương hiệu thời trang cao cấp đã rục rịch chuẩn bị cho bước chuyển mình tiếp theo của công nghệ mang tên thời trang Metaverse trong suốt nhiều năm nay. Các ông lớn như Burberry, Gucci, Balenciaga và hàng loạt những cái tên “máu mặt” khác đang thực hiện quá trình “khai hoang” một địa hạt thời trang đi ngược lại với tất cả khối di sản savoir-faire cao quý vốn được gìn giữ và tôn sùng hàng thế kỷ. Điều đó cũng dễ hiểu vì doanh thu từ các thiết kế NFT đang trên đà bùng nổ như vũ bão.

Thậm chí, vào tháng 10 năm ngoái, bộ sưu tập sản phẩm NFT đầu tiên đánh dấu bước đột phá của nhà mốt Dolce & Gabbana vào Metaverse gồm 9 mẫu thiết kế thời trang kỹ thuật số lẫn phiên bản thực tế của chúng đã được đấu giá thành công. Đồng thời thu về con số ấn tượng phá kỷ lục doanh thu mọi thời đại là hơn 6 triệu đô la Mỹ.

Đây là một con số đáng kinh ngạc của ngành thời trang khi tung ra một NFT – vốn dĩ chỉ được các thương hiệu xem như một phép thử cho nguồn doanh thu mới. Với thành công ban đầu đạt được, giờ đây Dolce & Gabbana đã xúc tiến những kế hoạch dài hạn để phát triển các bộ sưu tập NFT nhiều hơn trong tương lai.

Vào cuối năm 2020, Gucci cũng tuyên bố về việc hợp tác cùng Genies - một studio giúp thương hiệu sản xuất ra những NFT chất lượng trong tương lai. Tháng 5 năm 2021, Gucci đã tạo ra một NFT mang tên “Aria”. Aria là sản phẩm NTFs bao gồm 3 đoạn video được thiết lập theo tính năng vòng lặp và chạy đồng thời.

Triển lãm mang tên “Archetypes Gucci Garden” của Gucci trong Roblox được tổ chức vào tháng 5 năm 2021

Triển lãm mang tên “Archetypes Gucci Garden” của Gucci trong Roblox được tổ chức vào tháng 5 năm 2021

Sản phẩm được bán trên sàn đấu giá Christie’s danh tiếng và thu về $20000 đô. Gucci còn gây chú ý hơn khi một chiếc túi Gucci được bán trong Roblox với giá $4.115 đô, cao hơn cả phiên bản được bán lẻ ở bên ngoài với giá $3.400 đô. 

Nói đến khía cạnh thời trang du nhập vào Metaverse, thị trường này cũng sôi động không kém. Roblox - tựa game được xem là mô hình Metaverse sơ khởi hiện nay, đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều thương hiệu thời trang lớn. Gucci, Ralph Lauren, Nike, Vans, Forever 21,... là những cái tên có kế hoạch hợp tác với Roblox để xúc tiến độ nhận diện thương hiệu từ sớm trong không gian kỹ thuật số.

Có thể dễ dàng hiểu được lý do tại sao các thương hiệu cao cấp đang hướng đến thị trường Metaverse đầy tiềm năng dù nó mới chỉ ở giai đoạn sơ khởi như trường hợp của Roblox. Theo dữ liệu do Roblox cung cấp, trải nghiệm trong 2 tuần của Gucci khi hợp tác cùng tựa game này đã thu hút khoảng 20 triệu lượt quan tâm. Cùng với đó là hàng trăm nghìn người dùng Roblox đã mua được nhiều mặt hàng.

Không nằm ngoài thời cuộc, vào tháng 8, thương hiệu Burberry cũng đã đưa bộ sưu tập NFTs phiên bản giới hạn “limited” vào trò chơi trực tuyến có đông đảo người chơi. Đó là Blankos Block Party của Mythical Games cùng các sản phẩm được bán với tổng giá trị khoảng $375,000.

Hay như những tên tuổi thời trang cao cấp khác như Burberry, Ralph Lauren,... cũng đã nhanh chóng thử nghiệm những bộ sưu tập “skin” đầu tiên của mình qua các tựa game trên nền tảng NFT và thu về kết quả vô cùng tích cực.

BST NFT đầu tiên của thương hiệu Ralph Lauren được ra mắt trong Roblox vào tháng 12 năm ngoái

BST NFT đầu tiên của thương hiệu Ralph Lauren được ra mắt trong Roblox vào tháng 12 năm ngoái

Ở thời điểm hiện tại, dù bản thân người mua vẫn chưa thể trực tiếp “diện” những item này trong Metaverse. Song, với sự phát triển nhanh chóng của nền tảng công nghệ cùng bước tiến mà các thương hiệu thời trang đang đẩy mạnh. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những trải nghiệm thú vị mà thời trang Metaverse có thể mang lại ngay trong tương lai gần sắp tới.

Một điều đáng chú ý hơn nữa là hầu hết các nền tảng sơ khởi của Metaverse đều thuộc lĩnh vực trò chơi điện tử. Đồ họa sắc nét, đề cao tính giải trí và kết nối chính là những đặc tính vốn dĩ của ngành công nghiệp trị giá 138 tỷ đô này (dựa theo số liệu thống kê năm 2021).

Cho đến khi Google, Meta hay Apple có thể tạo ra một Metaverse được vận hành bởi riêng họ, hướng đến một dạng mạng xã hội mới đề cao tính trải nghiệm chân thực và đa nhiệm. Lúc này, ngành game vẫn chính là cái nôi của Metaverse.

Louis Vuitton là công ty tiên phong trong việc thiết lập mối quan hệ giữa trò chơi và ngành công nghiệp game. Cùng với đó là nhiều lần hợp tác cùng hãng game nổi tiếng Riot Games và sản phẩm của hãng là League of Legends. Rõ ràng, các thương hiệu cao cấp đang muốn tạo ra sự khác biệt bằng cách thử nghiệm một hình thức tiếp thị sáng tạo hơn nhằm thu hút giới trẻ thông qua các trò chơi điện tử đình đám.

Louis the Game đã vượt qua khuôn khổ của các game thời trang thông thường

Louis the Game đã vượt qua khuôn khổ của các game thời trang thông thường

Những màn hợp tác giữa thời trang và game thường chỉ xuất hiện trong quãng thời gian ngắn ngủi. Điều đó nhằm tăng tính khan hiếm của vật phẩm (thường là sản phẩm thời trang có thể mặc được cho nhân vật trong game) và thu hút sự chú ý của giới trẻ một cách hiệu quả nhất.

Nếu không sở hữu ngay những vật phẩm giới hạn này của các thương hiệu cao cấp, chắc chắn người chơi sẽ không bao giờ có cơ hội thứ hai được sở hữu nó nữa. FOMO (Fear of Missing Out) chính là một chiến lược bán hàng “triệu đô” không chỉ hiệu quả trong thế giới thực mà vẫn rất có tác dụng cả trong thế giới kỹ thuật số.

Với việc Metaverse và NFT ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của giới trẻ lẫn một lượng khách hàng vốn dĩ quan tâm đến công nghệ và trò chơi điện tử hơn thời trang. Họ là những người có tiềm lực chi tiêu vô cùng lớn thì dễ dàng thấy rằng các mối “nhân duyên” giữa ngành công nghiệp game và thời trang sẽ ngày càng phát triển. Đồng thời chúng cũng sẽ gia tăng về số lượng lẫn chất lượng trong thời gian sắp tới.

Mối “nhân duyên” giữa game và thời trang sẽ ngày càng phát triển

Mối “nhân duyên” giữa game và thời trang sẽ ngày càng phát triển

Thương hiệu Việt cùng nhà thiết kế Việt trong làng thời trang ảo

Thời trang Metaverse có lẽ vẫn còn là thuật ngữ rất mới ở Việt Nam. Nhắc đến mảng này, hiện có thể kể tên 2 nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam là Huân Lei và Trần Quỳnh Nhi.

Huân Lei hiện đang là nghệ sĩ minh họa 3D cho một số nhà thiết kế, nghệ sĩ và các bộ ảnh. Anh chia sẻ rằng anh chưa dám nhận mình là fashion designer, nhưng với niềm hứng thú với thời trang, anh luôn cố gắng dùng 3D như một công cụ để hiện thực hóa những ý tưởng mà thời trang vật lý sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.

Trần Quỳnh Nhi là nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp tốt nghiệp Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội LCDF - “cái nôi” của hàng loạt local brand lớn như Uptoseconds, Wephobia, Lobbster, Lâm Gia Khang,…

 

Châu Bùi và NTK 3D Huân Lei kết hợp trong các dự án 3D

Quỳnh Nhi đã lựa chọn con đường trở thành nhà thiết kế thời trang 3D đúng nghĩa với các thiết kế mang nhãn hiệu 143Dress. Các sản phẩm này hiện đang được bày bán trên các trang quốc tế. Ca sĩ Bích Phương - giọng hát “Bùa Yêu” cũng từng gây chú ý khi diện bộ váy 3D của nhà thiết kế Trần Quỳnh Nhi.

Là thương hiệu gắn liền với sự thức thời và giới trẻ, Boo hiện là thương hiệu Việt nổ phát súng đầu tiên cho trào lưu thời trang Metaverse. Đầu năm nay, Boo đã tuyên bố rằng hãng đang kết hợp với VerseHub (startup tại Anh) thực hiện số hóa các sản phẩm của hãng để khách hàng có những trải nghiệm mua sắm mới mẻ hơn bao giờ hết.

Lợi thế so với thời trang thực

Công nghiệp thời trang được đánh giá là một trong những ngành nghề gây ô nhiễm bậc nhất toàn cầu. Khái niệm thời trang nhanh và siêu nhanh hiện đang là mối đe dọa lớn cho sự phát triển bền vững của môi trường sống của con người. Sản xuất thời trang tiêu hao rất nhiều nguồn tài nguyên để có thể tạo ra được lượng hàng hóa khổng lồ. Đồng thời để lại đó ngổn ngang hàng triệu tấn rác thải hàng năm.

Trước vấn đề cấp thiết đang nóng lên từng ngày này, các hiệp hội thời trang thế giới mong muốn tìm ra phương pháp cải thiện. Sao cho thời trang vẫn phát triển theo đúng quỹ đạo của nó mà vẫn hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường sống của chúng ta. Và một trong các chương trình được đánh giá là thiết thực nhất với tình hình hiện tại đó là Global Talents Digital (Tài năng Số hóa Toàn cầu) hay còn được gọi là thời trang số.

Thời trang ảo giải quyết mọi hạn chế còn tồn đọng của thời trang thực

Thời trang ảo giải quyết mọi hạn chế còn tồn đọng của thời trang thực

Chương trình này đã nhận được đông đảo sự ủng hộ từ các thương hiệu hàng đầu và các nhà thiết kế nổi tiếng. Trong số đó, Harper’s Bazaar bị ấn tượng trước những người trình làng các thiết kế thời trang ảo cùng người mẫu ảo. Tất cả các thiết kế được khoác lên mình người mẫu đều là bản mô phỏng 3D, vô cùng đẹp mắt và sinh động. Tuy nhiên lại không hề tiêu tốn bất kỳ nguyên vật liệu nào để thực hiện cũng như không tác động đến môi trường.

Thông thường khi mua quần áo, bạn phải đắn đo xem nó có vừa với mình không, hay mặc lên người trông sẽ như thế nào, hoặc nó có gây hại cho môi trường không? Đến với thời trang Metaverse, nó không nằm trong khuôn khổ mà chúng ta từng nghĩ. Ở đây sẽ không có rộng chật, dài ngắn mà chỉ có thích hay không thích và phù hợp hay không phù hợp với phong cách của mình.

Để dễ hình dung hơn, bạn hãy thử tải DressX - một ứng dụng mua sắm thời trang digital đình đám nhất thời điểm hiện tại. Ở đây, mỗi khi bạn chọn một món đồ nào đó, bạn sẽ được thấy chính mình đang diện nó thay vì ngắm người mẫu mặc trang phục.

Khi chọn được kiểu trang phục ưng ý, bạn có thể “thử quần áo” thông qua công nghệ thực tế ảo. Nếu quyết định mua sản phẩm này, bạn chỉ cần tải hình ảnh của mình lên trang web hoặc các ứng dụng mua sắm. Chỉ từ 1-2 ngày, bạn sẽ nhận được hình ảnh của mình với món đồ đã chọn.

Chọn đồ trên DressX để thấy mình được ướm thử nó

Chọn đồ trên DressX để thấy mình được ướm thử nó

Nó sẽ được chỉnh sửa chuyên nghiệp vừa vặn đến từng chi tiết. Và việc còn lại của bạn chỉ là đăng tải ảnh lên mạng xã hội và “sống ảo câu like”. Đồng thời, việc này còn không gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ cuộc sống xanh.

Tổng kết

Với thời trang Metaverse, mọi chuẩn mực hay khuôn khổ về thời trang là hoàn toàn không có giới hạn. Xu hướng này hứa hẹn sẽ là cuộc cách mạng thời trang thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp may mặc tỷ đô trong tương lai. Vũ trụ ảo đang dần chứng minh những ưu điểm vượt trội chưa từng có của ngành thời trang từ trước đến nay.

Một trào lưu Metaverse không chỉ là cột mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp xa xỉ. Mà hơn thế, nó còn là nền tảng cho sự mở rộng không ngừng của thứ sẽ sớm trở nên phổ biến trong tương lai của bất kỳ ngành nghề nào.

Hy vọng qua bài viết này của Coolmate, mọi người sẽ có cái nhìn đầy thú vị về vũ trụ thời trang ảo này. Và đừng quên ghé qua nhà CoolBlog để đọc thêm nhiều kiến thức hay ho khác nữa nhé!

Coolmate - Nơi mua sắm đáng tin cậy dành cho nam giới!

Bạn có thể thích
x

Đã thêm vào giỏ hàng!

Xem giỏ hàng
Voucher dành cho bạn