Để lựa chọn được một chiếc áo sơ mi nam ưng ý ngoài thiết kế đẹp, đường may chỉn chu thì chất liệu may áo sơ mi cũng rất quan trọng. Vậy vải may áo sơ mi bạn mặc có phù hợp với hoàn cảnh, thời tiết hay phong cách hiện tại không? Cùng Coolmate tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé!
Vì Sao Chất Liệu Vải Lại Quan Trọng Trong Thiết Kế Áo Sơ Mi?
Bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kiểu dáng, độ bền và cảm giác khi mặc áo sơ mi. Ví dụ vải cao cấp như cotton sẽ mang lại sự thoáng mát, thấm hút và mềm mại, phù hợp với phong cách thanh lịch, công sở.
Trong khi đó, vải polyester giúp giữ form tốt, bền hơn nhưng có thể kém thông thoáng. Bên cạnh đó, chất liệu may áo sơ mi cũng giúp định hình phong cách tổng thể của chiếc áo, từ trang trọng đến bình dân, giúp người mặc tự tin và thoải mái trong mọi hoàn cảnh.
Top 20 Chất Liệu May Áo Sơ Mi Phổ Biến Nhất Hiện Nay
1. Vải kate
Loại vải may áo sơ mi phổ biến và được ưa chuộng nhất hiện nay là vải Kate. Đây là vải thuộc phân khúc tầm trung, thường được sử dụng để may đồng phục cho học sinh, nhân viên. Vải Kate là sự kết hợp giữa sợi cotton và sợi polyester. Sự pha trộn này làm cho vải có độ bền tốt, ít nhăn nhưng vẫn giữ được sự mềm mại và thấm hút của cotton.
Chất liệu may áo sơ mi - Vải Kate
Có thể chia vải Kate thành các nhóm:
- Kate Mỹ: Chất vải dày, thấm hút tốt, thích hợp may áo sơ mi cao cấp.
- Kate Hàn: Mềm mại, nhẹ hơn Kate Mỹ, được sử dụng cho trang phục văn phòng và đồng phục.
- Kate Silk: Bề mặt bóng nhẹ, mang lại vẻ sang trọng.
- Kate Ford: Chất vải dày, bền, thường được dùng cho đồng phục học sinh và công sở.
- Kate Polin: Có tỷ lệ cotton cao, thấm hút mồ hôi tốt, thích hợp cho thời tiết nóng.
Có nhiều loại vải Kate như Mỹ, Hàn, Kate silk...
Kate có ưu điểm là khá mềm mại, ít nhăn, giúp bạn dễ chịu khi mặc. Ngoài ra, vải cũng thấm hút mồ hôi tốt, phù hợp với thời tiết nóng. Về độ giữ màu, vải Kate ít phai màu giúp áo sơ mi của bạn trông như mới sau nhiều lần giặt.
Mặc dù vải Kate có nhiều ưu điểm về chất liệu, độ bền và giá thành, nhưng nó chủ yếu phù hợp để may áo sơ mi nam và một số kiểu áo đơn giản mang phong cách thanh lịch, nghiêm túc. Nếu bạn tìm kiếm một chất liệu mềm mại và thời trang hơn, vải Kate có thể chưa phải là lựa chọn tối ưu.
Khi giặt áo sơ mi, nếu không cẩn thận, vải Kate có thể dễ bị xù lông. Vì vậy, bạn nên lộn trái áo trước khi giặt để bảo vệ bề mặt vải. Đối với áo sơ mi trắng, hãy giặt riêng để tránh bị lem màu. Ngoài ra, do vải Kate có khả năng khô nhanh, bạn không cần phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời để tránh bạc màu.
349.000đ
105.000đ
2. Vải Kaki
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến vải Kaki – một chất liệu quen thuộc và phổ biến trong ngành may mặc. Kaki có nguồn gốc từ Ấn Độ vào thế kỷ 19, vải này ban đầu được sử dụng để may quân phục cho binh lính Anh. Tên gọi "Kaki" trong tiếng Hindi nghĩa là "bụi" hay "màu đất", phản ánh màu sắc ban đầu của loại vải này.
Với tính đa năng, vải Kaki được sử dụng rộng rãi để may nhiều loại trang phục, phù hợp với nhiều môi trường khác nhau. Đặc biệt, áo sơ mi làm từ vải Kaki cũng là lựa chọn yêu thích của nhiều người nhờ vào độ bền và vẻ ngoài thanh lịch.
Chất liệu may áo sơ mi - Kaki
Vải Kaki có 2 loại chính:
- Kaki thun: Có độ co giãn tốt nhờ pha thêm sợi Spandex hoặc Poly, thích hợp cho trang phục ôm sát cơ thể.
- Kaki không thun: Ít co giãn, thường được dùng để may quần tây, đồng phục công sở hoặc quần áo bảo hộ lao động.
Vải Kaki sở hữu nhiều ưu điểm như thoáng mát, bền bỉ và ít nhăn. Đặc biệt, khi kết hợp với sợi spandex, vải Kaki còn có độ co giãn tốt hơn và khả năng thấm hút ẩm hiệu quả. Bên cạnh đó, loại vải này có sự đa dạng về màu sắc và họa tiết, phù hợp với mọi lứa tuổi và giới tính.
Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc áo sơ mi với thiết kế cầu kỳ hoặc dáng áo bồng bềnh, mềm mại, thì vải Kaki sẽ không phải là lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, với mức giá tương đối cao, vải Kaki cũng trở thành một hạn chế, khiến nó không được sử dụng rộng rãi trong tất cả các phân khúc thời trang.
Chất liệu Kaki thun được nhiều người dùng để may áo sơ mi
Khi bảo quản các sản phẩm làm từ vải Kaki, bạn cũng cần lưu ý lộn trái áo khi giặt và tránh phơi dưới ánh nắng gắt để giữ màu sắc bền đẹp. Ngoài ra, nên giặt tay thay vì giặt máy để bảo vệ cấu trúc sợi vải, giúp áo luôn bền lâu. Khi cất giữ, hãy treo áo thẳng thay vì gấp để duy trì form dáng, tránh bị nhăn nhúm.
3. Vải sợi nano
Sợi vải nano là một minh chứng điển hình cho sự đột phá trong ngành thời trang, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng áo sơ mi. Loại vải này được tạo nên từ hàng tỷ sợi siêu nhỏ, mỗi sợi chỉ dài khoảng 10 nanomet, được kết hợp với các chất liệu truyền thống như bông hoặc vải lanh. Nhờ đó, áo sơ mi không chỉ siêu nhẹ, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt mà còn sở hữu nhiều đặc tính ưu việt, mang lại sự thoải mái và tiện lợi cho người mặc.
Chất liệu vải áo sơ mi - Vải sợi nano
Các đặc điểm vượt trội của vải Nano
- Mềm mại, thoáng mát, thấm hút nhanh, giúp da luôn khô thoáng.
- Nhanh khô gấp 4 lần vải Cotton nhờ công nghệ Quick Dry 3D.
- Nhẹ, đứng dáng, nhờ sợi Nano siêu mảnh (100D - 150D).
- Không nhăn tự nhiên, tiết kiệm thời gian là ủi.
- Chống tia UV, không hấp thụ nhiệt, giúp bảo vệ da và tạo cảm giác mát lạnh.
Áo sơ mi vải sợi nano
Mặc dù vải sợi Nano sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng nó vẫn có một số nhược điểm như: giá thành cao, độ bền kém hơn cotton khi ma sát mạnh, dễ giữ mùi mồ hôi. Ngoài ra, nó khó phân hủy sinh học, gây ảnh hưởng đến môi trường.
4. Vải Poplin
Poplin là một trong những chất liệu vải phổ biến trong may áo sơ mi. Loại vải này được dệt bằng sợi dọc và sợi ngang có cùng chỉ số, tương tự như kỹ thuật dệt plain weave, nhưng điểm khác biệt là sợi dọc được nén chặt hơn so với sợi ngang. Ngày nay, poplin chủ yếu được làm từ 100% cotton, nhưng để đáp ứng các yêu cầu về đặc tính, người ta có thể pha thêm polyester, len, lụa hoặc satin.
Dựa trên thành phần sợi dệt, có thể phân vải Poplin thành các loại sau:
- Poplin Cotton: Chứa 100% cotton, thoáng khí, mềm mại.
- Poplin Polyester: Kết hợp giữa cotton và polyester, ít nhăn, bền màu và dễ bảo quản.
- Poplin Lụa (Silk Poplin): Mềm mại, bóng nhẹ, sang trọng.
- Poplin Len (Wool Poplin): Mỏng, giữ ấm tốt.
- Poplin Spandex: Có độ co giãn nhẹ, tạo sự thoải mái khi vận động.
Vải Poplin có ưu điểm nổi bật là trọng lượng nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt, mang lại cảm giác thoáng mát, thoải mái khi mặc. Bên cạnh đó, loại vải này chịu được nhiệt độ cao khi ủi, không độc hại, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, áo làm từ vải Poplin có thể co rút nhẹ trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, do quy trình sản xuất phức tạp, loại vải này có giá thành khá cao.
Khi giặt vải Poplin, nhiệt độ nước không nên vượt quá 40°C để tránh co rút. Nếu vắt khô bằng máy, cần thực hiện cẩn thận để bảo vệ chất vải.
5. Vải voan
Vải voan thường được sử dụng để may áo sơ mi nữ nhờ độ mềm mại, bay bổng của chất liệu. Tuy nhiên, với xu hướng thời trang hiện đại, voan cũng được ứng dụng trong áo sơ mi kiểu dành cho phái mạnh, mang lại vẻ ngoài tinh tế và thanh lịch.
Được làm từ sợi nhân tạo, vải voan có đặc tính mỏng, nhẹ, trơn mát, giúp áo sơ mi trở nên sang trọng hơn. Trên thị trường hiện nay, voan có nhiều biến thể như voan lụa, voan cát, voan nhung... mang đến sự đa dạng và độc đáo cho các thiết kế áo sơ mi thời trang.
Voan là một chất liệu may áo sơ mi phổ biến
Vải voan mỏng, nhẹ và có tính ứng dụng cao, nên thường được dùng để may áo sơ mi, giúp người mặc thoáng mát trong những ngày hè oi bức. Nhờ đặc tính mềm mại, các nhà thiết kế có thể thỏa sức sáng tạo, cho ra đời những mẫu áo sơ mi với thiết kế cầu kỳ và độc đáo.
Nhược điểm lớn nhất của vải voan là độ mỏng, nên khi may trang phục, thường cần thêm lớp lót để đảm bảo độ kín đáo. Bên cạnh đó, do chất vải trơn và dễ xô lệch, việc may vải voan đòi hỏi kỹ thuật cao từ người thợ để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Một số thiết kế áo sơ mi vải voan
Vải voan dễ bám bẩn, nên cần cẩn thận khi sử dụng. Khi giặt, nên giặt tay để giữ độ bền của vải. Ngoài ra, tránh dùng chất tẩy mạnh để hạn chế phai màu và bảo vệ chất liệu tốt hơn.
6. Vải Lụa
Khi nhắc đến áo sơ mi cao cấp, vải lụa luôn là lựa chọn hàng đầu. Được dệt từ sợi tơ tằm thiên nhiên, vải lụa mang đến độ mềm mịn, mượt mà và an toàn tuyệt đối cho người mặc. Hiện nay, các loại tơ tằm phổ biến trong sản xuất lụa gồm tơ tằm dâu, tơ tằm sồi, tơ tằm lạc và tơ tằm lá sắn, trong đó tơ tằm dâu là loại được sử dụng rộng rãi nhất.
Chất liệu may áo sơ mi nam - Lụa
Vải lụa rất nhẹ, màu sáng bóng tự nhiên và cách nhiệt tốt giúp bạn cảm thấy mát mẻ. Vải lụa cũng hút ẩm tốt giúp hút mồ hôi vào những ngày nóng bức. Các mẫu áo sơ mi lụa không chỉ được ưa chuộng vào mùa hè, trong các bữa tiệc nó cũng mang đến sự sang trọng, tinh tế và thanh lịch hơn cho người sử dụng.
Dễ bị ố vàng bởi mồ hôi là nhược điểm của vải lụa. Do có nguồn gốc từ thiên nhiên nên loại vải này hay bị các loại côn trùng cắn dẫn đến hỏng, rách nếu không được bảo quản cẩn thận. Khi giặt bạn cũng nên lưu ý giặt nhẹ nhàng bằng tay, tránh phơi nắng khiến màu nhanh phai. Khi là ủi bạn cũng nên lưu ý nhiệt độ bởi vải voan dễ bị khô hoặc cháy.
7. Vải thô
Nhắc đến áo sơ mi hẳn sẽ không thể bỏ qua vải thô. Đây là chất liệu được sử dụng khá nhiều trong việc may áo sơ mi đặc biệt là áo sơ mi hè. Được dệt từ những thành phần thiên nhiên như gai, bông tạo nên độ mềm mại nhất định và có những đặc tính thích hợp với khí hậu nóng ấm ở Việt Nam.
Vải thô là chất liệu may áo sơ mi mùa hè được yêu thích
Áo sơ mi làm bằng chất liệu vải thô sẽ có được độ thoáng mát, không bị ngột ngạt khó chịu khi mặc. Cùng với đó là khả năng thấm hút mồ hôi cũng như độ co giãn tốt mang đến sự thoải mái cho người mặc.
Các loại vải thô
- Vải thô lụa: Cách nhận biết vải thô lụa đó là cảm giác mềm mại khá giống vải lanh khi sờ vào nhưng bề mặt lại mịn hơn. Khả năng thấm hút tốt và không bị nhăn khi bạn vò nhàu nát. Khi may áo sơ mi cho nam thì lên dáng có thể không cứng cáp nhưng lại mang đến vẻ đẹp sang trọng và hiện đại hơn cho chiếc sơ mi.
- Vải thô mộc: Độ cứng của loại vải so với vải thô lụa thì cao hơn, chính vì thế loại vải này khá thích hợp để may áo sơ mi. Nhờ sự cứng cáp của vải thô mộc nên khi may áo, chúng giúp giữ dáng áo chuẩn, vừa vặn với cơ thể hơn. Tùy theo độ dày mà chúng ta chia vải thô mộc làm hai loại: thô dày và thô mỏng.
Với độ dày vừa phải, vải thô giúp người mặc tránh nắng tốt mà không gây cảm giác oi bức. Do được dệt từ sợi thiên nhiên nên khi sử dụng người dùng không cần lo lắng bởi chất liệu đảm bảo an toàn khi mặc, không ngứa ngáy, không dị ứng.
Điểm trừ duy nhất của vải thô là bề ngoài trông có vẻ mộc mạc đơn giản (thô mộc), không được sang và tinh tế như các loại vải khác.
Thật tuyệt vời vì đối với loại vải thô này bạn có thể giặt thoả thích bằng máy giặt mà vẫn giữ được độ bền chắc. Ngoài ra bạn cũng có thể phơi chiếc áo sơ mi làm từ vải thô tại nơi có ánh nắng mà không lo bị phai màu.
8. Vải Cotton
Cotton là loại chất liệu may áo sơ mi phổ biến trong ngành công nghiệp may mặc và của các hãng thời trang lớn nhỏ. Vải cotton là một loại sợ tổng hợp, được dệt từ bông tự nhiên hoặc trộn với các sợi nhân tạo khác.
Nguyên liệu chính của vải cotton là làm từ sợi cây bông. Sau khi hái bông, người ta sẽ dùng sợi bông để dệt nên thành vải cotton. Qua quá trình xử lí, vải cotton đạt độ bền cao, có tính năng kháng khuẩn và không dễ ẩm mốc.
Sơ mi cotton là sản phẩm quen thuộc với nam giới
Vải cotton được sản xuất thành nhiều dạng khác nhau, trong đó phải kể đến gồm:
- Vải cotton 100% tự nhiên: đây là loại vải được dệt hoàn toàn từ bông tự nhiên, không pha lẫn bất kì chất liệu hay sợi nào khác. Vải này có khả năng thấm hút nhanh, giúp lưu thông khí tốt, tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu cho người dùng.
- Vải cotton poly: là loại vải tổng hợp giữa chất liệu cotton và các sợi tổng hợp khác mang đến độ bền cao, co giãn tốt, nhẹ, dễ vệ sinh và giặt ủi.
- Vải cotton satin: được dệt từ sợi bông tự nhiên, có bề mặt bóng mịn, mềm mại. Vải nhanh khô và có khả năng thấm hút tốt.
- Vải cotton lụa: là sự kết hợp giữa 50% sợi bông và 50% tơ tằm, mang lại cảm giác êm ái, dễ chịu và mát mẻ
- Vải cotton Ai Cập: là loại vải có độ bền cao, vải ít nhăn và không bị phai màu
- Cotton nhung: là vải kết hợp giữa cotton và nhung, mang đến sự mềm mại và thoát mát cho người dùng. Vải ít nhăn, không phai màu và có khả năng thấm hút tốt
- Vải cotton 65/35 (CVC): là sự kết hợp của 65% cotton và 35% vải PE, có khả năng đàn hồi, chịu lực cao, có độ bền và khả năng thấm hút tốt
- Vải cotton tici 35/65: là sự kết hợp của 35% cotton và 65% PE với khả năng co giãn tốt, chống bám bụi, kháng khuẩn, rất tốt cho người dùng
Áo sơ mi cotton Coolmate
Ưu điểm của vải cotton là có khả năng thấm hút và hút ẩm cao, giúp mang lại cảm giác thoải mái khi mặc. Độ bền tốt, nhanh khô, thuận tiện cho việc giặt giũ. Đặc biệt, cotton có thể giặt chung với các loại vải khác mà không lo hư hỏng.
Tuy nhiên, vải cotton lại có độ cứng cao, không mềm mại như nhiều loại vải khác như tencel, modal,... Thêm vào đó giá thành những loại cotton thượng hạng và cao cấp khá cao.
Để áo sơ mi vải cotton dùng được lâu, các chàng nên lưu ý về cách sử dụng và bảo quản như sau:
- Không ngâm vải lâu trong xà bông, chỉ cần ngâm ít phút trước khi giặt
- Phân loại các loại vải. Không giặt chung quần áo trắng và quần áo màu
- Phơi quần áo nơi thoáng mát, tránh phơi lâu và trực tiếp dưới ánh mặt trời
9. Vải sợi bamboo
Với công nghệ hiện đại, sợi tre được xử lý để loại bỏ keo tre và tẩy trắng, tạo ra chất liệu cao cấp ứng dụng rộng rãi trong ngành may mặc, đặc biệt là áo sơ mi.
Vải sợi bamboo là một chất liệu may áo sơ mi nam cao cấp
Vải bamboo có nhiều ưu điểm như thấm hút mồ hôi gấp 3 lần cotton, mang lại cảm giác thoáng mát, kháng khuẩn tự nhiên, khử mùi hiệu quả và chống tia UV. Chất vải mềm mịn, ít gây kích ứng, phù hợp với làn da nhạy cảm. Ngoài ra, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, giúp giảm tác động đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, vải sợi tre có nhược điểm là dễ co rút sau khi giặt, lâu khô hơn so với cotton.
Để bảo quản áo sơ mi vải bamboo tốt hơn, nên giặt bằng nước lạnh với nước giặt dịu nhẹ, tránh chất tẩy mạnh và giặt tay nhẹ nhàng để hạn chế co rút. Khi phơi, nên chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp để giữ độ bền và màu sắc của vải.
10. Vải sợi sồi (Modal)
Vải sợi sồi (modal) được làm từ sợi cellulose của gỗ sồi tự nhiên. Loại vải này có nguồn gốc từ Bắc Âu, nơi người dân phát hiện khả năng sản xuất vải từ gỗ sồi. Quy trình sản xuất bao gồm việc chọn lọc, nghiền nhỏ, xử lý nhiệt và dệt thành vải modal hoàn chỉnh.
Vải sợi sồi là chất liệu thân thiện với làn da
Vải modal có nhiều ưu điểm như chống co rút, không bị nhão hay giãn khi sử dụng, độ bền cao ngay cả khi tiếp xúc với ánh sáng, nước và nhiệt độ. Khả năng thấm hút của vải tốt hơn cotton đến 25%, giúp tạo cảm giác thoáng mát.
Đặc biệt, modal thân thiện với môi trường do được làm từ nguyên liệu tự nhiên và quy trình sản xuất ít gây hại. Chất vải an toàn, không gây kích ứng, phù hợp với mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ và người già, thậm chí còn được sử dụng để sản xuất nội y.
Vải sợi sồi khi giặt không bị co rút như vải sợi tre
Để bảo quản áo sơ mi từ vải modal (vải sồi) đúng cách, cần tránh sử dụng chất tẩy rửa mạnh, chỉ nên dùng xà bông trung tính để bảo vệ bề mặt vải. Khi giặt lần đầu, nên dùng nước lạnh để giữ độ bền màu. Lưu ý khi ủi, không nên sử dụng nhiệt độ quá cao, nên ủi mặt trái hoặc đặt một lớp vải lót mỏng để tránh làm cháy sợi cellulose trong vải, giúp áo luôn giữ được vẻ đẹp và độ bền lâu dài.
11. Vải sợi cafe
Vải sợi cafe được sản xuất từ bã cà phê. Thay vì bỏ đi, bã cà phê được tận dụng để sản xuất nên loại vải có nhiều ưu điểm vượt trội, đồng thời, giảm thiểu nguy hại đến môi trường. Bã cà phê sẽ được hòa cùng với hỗn hợp polymer để tạo thành vật liệu tổng hợp. Sau đó, sử dụng quy trình sản xuất hiện đại để tạo nên sợi cafe dùng trong may mặc.
Để có thể tạo nên 1 chiếc áo từ chất liệu này, người ta cần dùng 5 chai nhựa và 3 cốc cà phê. Nhờ đó, có thể tái chế nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo nên vòng đời mới, đồng thời, giảm những tác động và ảnh hưởng đến môi trường.
Vải may áo sơ mi nam - Vải sợi cà phê
Vải sợi cafe được đánh giá cao nhờ chất lượng và trải nghiệm thoải mái cho người mặc. Chất vải nhẹ, có khả năng kiểm soát mùi tốt, làm mát hiệu quả, giúp giảm nhiệt độ 1 - 2°C so với các loại vải khác. Vải cũng nhanh khô, thoáng khí và có khả năng chống tia UV lên đến 98%, bảo vệ da khỏi tác hại của tia tử ngoại. Đặc biệt, vải cafe thân thiện với môi trường khi tận dụng bã cà phê và vỏ chai nhựa, giúp tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải CO2 trong quá trình sản xuất.
Cũng như những chất liệu may áo sơ mi khác, vải sợi cafe cũng cần được bảo quản để có thể sử dụng được lâu hơn. Để bảo quản vải sợi cafe bền đẹp, nên giặt tay nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh để không làm xù vải. Không nên ngâm áo trong chất tẩy rửa chứa nhiều clo và tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
12. Vải silk
Vải cotton silk là sự kết hợp giữa sợi bông tự nhiên và tơ tằm cao cấp, thường có tỷ lệ 90% cotton và 10% silk. Chất liệu này mềm mại, thoáng khí, thấm hút mồ hôi tốt và có độ bền cao, giúp áo sơ mi giữ form và mang lại cảm giác thoải mái.
Silk được sử dụng để may váy, đồ lót, áo sơ mi...
Với sự kết hợp hoàn hảo của cotton và silk, vải cotton silk có một sự cân bằng độc đáo giữa giá trị, chất lượng và sự thoải mái. Với mức giá hợp lý hơn so với vải tơ tằm thuần túy, cotton silk là một lựa chọn phổ biến cho những ai muốn trải nghiệm sự sang trọng và thoải mái của silk mà vẫn tiết kiệm được chi phí.
Tuy nhiên, giá thành cao hơn cotton thông thường và cần giặt tay hoặc chế độ nhẹ với nước lạnh để bảo vệ chất liệu. Khi ủi, nên dùng nhiệt độ thấp để tránh hư hại sợi vải.
Khi giặt vải cotton silk, bạn nên đọc kỹ nhãn chỉ dẫn giặt trên sản phẩm để biết cách chăm sóc đúng cách. Thường thì vải cotton silk yêu cầu giặt bằng tay hoặc giặt ở chế độ nhẹ, sử dụng nước lạnh hoặc nước ấm. Tránh sử dụng chất tẩy mạnh và không nên ngâm quá lâu.
Nếu sản phẩm bị nhăn sau khi giặt, hãy sử dụng bàn là hơi nhẹ hoặc ủi ở nhiệt độ thấp để làm thẳng vải.
Trước khi ủi, có thể sử dụng chất xịt làm mịn để giúp làm dịu các nếp nhăn
13. Vải nhung tăm
Vải nhung tăm (Corduroy) là loại vải có kết cấu đặc biệt với các đường kẻ sọc nổi trên bề mặt, được dệt từ sợi bông, sợi len hoặc sợi tổng hợp. Kết cấu vải bao gồm ba loại sợi riêng biệt, trong đó hai sợi tạo bề mặt chính và sợi thứ ba dệt xen kẽ để tạo hiệu ứng sọc. Với số sợi ngang trung bình khoảng 12 sợi/inch, vải nhung tăm có độ dày đa dạng, mang lại vẻ ngoài độc đáo và thu hút.
Chất liệu này được sử dụng rộng rãi trong may mặc, túi xách, nội thất nhờ độ bền cao, khả năng giữ ấm tốt, ít nhăn và giá cả phải chăng hơn vải nhung truyền thống. Tuy nhiên, nhung tăm không phù hợp với khí hậu nhiệt đới do thiếu độ thoáng khí, dễ bị phai màu khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc ma sát nhiều.
Chất liệu nhung tăm
14. Vải linen
Vải linen hay còn được gọi là vải lanh, là một loại vải tự nhiên được dệt từ sợi của cây lanh. Quá trình sản xuất vải linen bắt đầu bằng việc thu hoạch cây lanh và tách nhỏ thân cây thành các sợi nhỏ. Sau đó, các sợi này được dệt thành vải bằng phương pháp dệt chặt tay hoặc sử dụng máy dệt hiện đại.
Vải may áo sơ mi - Linen
Ưu điểm
- Thấm hút và thoáng khí: Vải Linen có khả năng thấm hút mồ hôi và bay hơi nhanh, giúp cơ thể cảm thấy mát mẻ và thoải mái trong thời tiết nóng.
- Tự nhiên và thân thiện với môi trường: Vải Linen được làm từ sợi cây lanh tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản hoặc hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất, nên nó thân thiện với môi trường và không gây kích ứng da.
- Bền và độ bền màu cao: Vải Linen có độ bền cao, kháng mài mòn và chống phai màu, giúp sản phẩm từ vải Linen có tuổi thọ lâu dài và giữ được màu sắc tươi mới.
Nhược điểm
- Dễ nhăn: Vải Linen có xu hướng nhăn sau khi giặt hoặc sử dụng, đòi hỏi người dùng phải ủi và bảo quản vải cẩn thận để tránh nhăn nhúm.
- Đàn hồi kém: Vải Linen có đàn hồi tự nhiên kém, dễ bị mất dáng sau khi sử dụng. Điều này có thể khiến quần áo và sản phẩm từ vải Linen mất đi sự co giãn và ôm sát với cơ thể.
- Cần chăm sóc đặc biệt: Giặt ở chế độ nhẹ và tránh sử dụng nhiệt độ quá cao, cũng như phơi khô đúng cách để tránh co rút và hư hỏng.
Tránh giặt quần áo làm từ vải Linen bằng nước nóng (trên 40 độ C). Nếu quần áo có màu, hãy giặt với nước lạnh để ngăn không cho chúng bị bay màu nhanh chóng. Không ngâm quần áo làm từ vải Linen quá lâu, chỉ cần ngâm trong vài phút rồi xả lại với nước sạch để loại bỏ bụi bẩn.
15. Vải Dệt Dobby
Kỹ thuật dệt Dobby xuất hiện từ thế kỷ 19 và được phát triển để tạo ra các họa tiết đa dạng mà không cần phải thêu hoặc in. Chất liệu may áo sơ mi này chứa các hoa văn hoặc họa tiết nổi trên bề mặt vải. Nhờ các đường vân nổi, Dobby tạo nên phong cách sang trọng, tinh tế, phù hợp cho trang phục lịch lãm. Vải Dobby có các loại sau:
- Dobby Cotton: Thoáng mát, mềm mại, thích hợp cho sơ mi và trang phục casual.
- Dobby Silk: Bóng mượt, sang trọng, thường dùng cho thời trang cao cấp.
- Dobby Polyester: Bền, ít nhăn, phù hợp với đồng phục hoặc trang phục công sở.
Vải Dobby nổi bật với hoa văn độc đáo được dệt trực tiếp, không cần in, thêu
Chất vải có ưu điểm là thoáng khí, đặc biệt khi làm từ cotton, mang lại cảm giác dễ chịu. Với độ bền cao, vải ít bai dão và giữ form tốt.
Vải Dobby có một số nhược điểm như dễ nhăn, đặc biệt nếu làm từ cotton thuần. Giá thành thường cao hơn vải trơn do kỹ thuật dệt phức tạp. Ngoài ra, việc may đo cũng khó khăn hơn, nhất là với các loại họa tiết dày đặc.
Để bảo quản áo sơ mi vải Dobby bền đẹp, nên giặt nước lạnh hoặc nước ấm, tránh dùng nước nóng để hạn chế co rút. Khi phơi, nên treo thẳng áo và tránh ánh nắng gắt để giữ màu sắc. Nếu cần ủi, hãy chọn nhiệt độ phù hợp với chất liệu, đặc biệt với vải có nhiều cotton.
Áo sơ mi Dobby từ Coolmate
Áo Sơ Mi Dài Tay Premium Dobby
16. Vải Flannel
Vải Flannel (hay còn gọi là vải nỉ mỏng) thường được làm từ cotton, len hoặc sợi tổng hợp. Flannel có nguồn gốc từ xứ Wales (Anh) từ thế kỷ 17 và nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới nhờ vào tính ứng dụng cao và sự thoải mái khi mặc.
Vải Flannel có nhiều loại khác nhau dựa trên chất liệu và phương pháp dệt:
- Flannel Cotton: Mềm mại, thoáng khí, thích hợp cho áo sơ mi casual.
- Flannel Len (Wool Flannel): Dày, giữ ấm tốt, phù hợp cho mùa lạnh.
- Flannel Tổng Hợp (Synthetic Flannel): Bền, ít nhăn, dễ bảo quản hơn.
- Flannel Kẻ Caro (Plaid Flannel): Loại phổ biến nhất với họa tiết caro đặc trưng, thường thấy trong áo sơ mi phong cách bụi bặm.
Vải Flannel - Chất liệu may áo sơ mi nam cá tính
Vải Flannel mềm mại, thoải mái nhờ bề mặt chải nhẹ, đồng thời có khả năng giữ ấm tốt, đặc biệt với loại làm từ len. Nếu bảo quản đúng cách, vải có độ bền cao và phù hợp với nhiều phong cách, từ lịch lãm đến bụi bặm. Đặc biệt, áo sơ mi Flannel kẻ caro rất dễ phối đồ, tạo vẻ ngoài năng động, thời trang.
Vải Flannel có một số nhược điểm như dễ bám bụi, xơ vải do bề mặt được chải mềm. Ngoài ra, chất vải có thể co rút sau khi giặt, đặc biệt với Flannel cotton và len, nên cần bảo quản cẩn thận. Vì dày hơn vải thường, Flannel cũng không quá phù hợp cho thời tiết nóng.
Để giữ vải Flannel bền đẹp khi giặt, bạn nên lộn trái áo để giúp giảm xơ vải và bảo vệ màu sắc. Nếu cần ủi, hãy dùng nhiệt độ thấp để tránh làm cháy xơ vải. Bảo quản ở nơi khô ráo, đặc biệt với Flannel len, để tránh ẩm mốc.
Áo sơ mi Flannel từ Coolmate
17. Vải Hàn Dobby
Vải Hàn Dobby là một loại vải dệt theo kỹ thuật Dobby nhưng có xuất xứ hoặc công nghệ sản xuất từ Hàn Quốc. Loại vải này thường có các họa tiết hoặc vân nổi trên bề mặt nhờ vào kỹ thuật dệt đặc biệt, tạo nên vẻ ngoài sang trọng và tinh tế, rất phù hợp cho các loại sơ mi trong môi trường công sở.
Nếu xét theo chất liệu, có các loại vải Hàn Dobby sau:
- Hàn Dobby Cotton: Mềm mại, thoáng khí, phù hợp với sơ mi cao cấp.
- Hàn Dobby Polyester: Bền, ít nhăn, dễ bảo quản, thích hợp cho đồng phục và áo công sở.
- Hàn Dobby Pha Trộn: Kết hợp giữa cotton và polyester để tăng độ bền và giữ được sự thoải mái.
Vải Hàn Dobby được phái mạnh rất ưa chuộng
Ưu điểm của loại vải này là mềm mại, thoáng khí, bền đẹp, ít bai dão. Nhờ polyester, vải ít nhăn hơn cotton thuần. Hoa văn tinh tế, sang trọng, phù hợp cho trang phục công sở.
Tuy nhiên, loại vải này có giá cao do kỹ thuật dệt phức tạp, dễ nhăn nếu nhiều cotton. Ngoài ra mẫu mã cũng khá hạn chế tại Việt Nam vì chủ yếu nhập từ Hàn Quốc.
Nên giặt vải với nước lạnh hoặc nước ấm nhẹ để bảo vệ chất liệu, tránh dùng chất tẩy mạnh. Khi ủi, nên sử dụng nhiệt độ trung bình, đặc biệt với vải có nhiều cotton cần ủi kỹ hơn để tránh nhăn. Ngoài ra, tránh phơi trực tiếp dưới nắng gắt để giữ màu sắc và độ bền của vải.
18. Vải End-on-end
Vải End-on-End là loại vải dệt thoi cao cấp có nguồn gốc từ châu Âu, được tạo ra bằng cách dệt xen kẽ giữa một sợi màu và một sợi trắng (hoặc màu nhạt hơn). Nhờ kỹ thuật này, vải có hiệu ứng màu sắc đặc biệt, nhìn từ xa như một màu trơn nhưng lại có chiều sâu và độ tinh tế khi quan sát gần. Trong tiếng Pháp, loại vải này còn được gọi là "Fil-à-Fil".
End-on-end còn được gọi là Fil-à-Fil trong tiếng Pháp
Vải End-on-End nổi bật với độ nhẹ và thoáng khí, giúp người mặc cảm thấy dễ chịu suốt cả ngày, đặc biệt trong thời tiết nóng. Bề mặt vải mịn, lịch lãm, rất phù hợp để may áo sơ mi công sở. Khi pha thêm polyester, vải sẽ giữ form tốt và bền đẹp theo thời gian.
Tuy nhiên, nếu làm từ 100% cotton, vải có thể dễ nhăn hơn so với các loại vải pha. Ngoài ra, do chất vải mỏng, những gam màu sáng đôi khi có thể hơi trong suốt. Vải End-on-End cũng có mẫu mã đơn giản, chủ yếu là trơn hoặc sọc nhẹ, ít đa dạng hơn so với các loại vải họa tiết khác.
Để giữ áo sơ mi End-on-End luôn bền đẹp, nên giặt bằng nước lạnh hoặc nước ấm để duy trì độ mềm mại, ủi ở nhiệt độ vừa phải và tránh phơi dưới nắng gắt để bảo vệ màu sắc cũng như chất liệu.
19. Vải Lotus Soft
Vải Lotus Soft được sản xuất từ sợi tự nhiên của cây hoa sen, đòi hỏi quy trình tinh xảo và công phu. Đây là chất liệu cao cấp, nổi bật với độ mềm mại, nhẹ nhàng, mang đến cảm giác thoải mái khi mặc. Nhờ khả năng thoáng khí và hút ẩm tốt, vải giúp cơ thể luôn khô ráo, đặc biệt phù hợp với khí hậu nóng ẩm.
Vải Lotus Soft thường được sử dụng để may áo sơ mi nam và nữ, mang lại vẻ thanh lịch, sang trọng và cảm giác dễ chịu khi tiếp xúc với da. Ngoài ra, loại vải này còn thân thiện với môi trường và có khả năng phân hủy sinh học, phù hợp với xu hướng thời trang bền vững.
Lotus Soft mang đến sự thoải mái, sang trọng và bảo vệ môi trường
Tuy nhiên, do quy trình sản xuất phức tạp và nguồn nguyên liệu hạn chế, vải có giá thành cao hơn so với các loại vải thông thường. So với một số chất liệu tổng hợp, vải từ sợi sen có thể kém bền hơn và cần được bảo quản cẩn thận.
Để giữ chất lượng vải lâu dài, nên giặt bằng nước lạnh hoặc nước ấm dưới 30°C, tránh dùng chất tẩy mạnh, phơi ở nơi thoáng mát và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Khi ủi, chỉ nên sử dụng nhiệt độ thấp để bảo vệ cấu trúc sợi vải.
20. Vải Super Soft
Vải Super Soft là thuật ngữ chỉ các loại vải may áo sơ mi cực kỳ mềm mại, mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu. Đây không phải một chất liệu cụ thể mà dùng để mô tả đặc tính vải trong ngành may mặc. Nguồn gốc của vải phụ thuộc vào loại sợi và quy trình sản xuất.
Có nhiều chất liệu khác nhau để làm ra vải Super Soft, ví dụ:
- Super Soft tự nhiên: Gồm cotton, len, tre, và các sợi tự nhiên khác. Những loại vải này thường có độ thoáng khí cao và thân thiện với da.
- Super Soft tổng hợp: Như polyester, nylon, spandex. Các loại vải này thường được xử lý đặc biệt để đạt được độ mềm mại mong muốn.
- Super Soft pha trộn: Kết hợp giữa sợi tự nhiên và sợi tổng hợp để tận dụng ưu điểm của cả hai, như độ mềm mại của sợi tự nhiên và độ bền của sợi tổng hợp.
Vải Super Soft được ứng dụng trong áo sơ mi nam nhờ độ mềm mại, thoáng mát, mang lại cảm giác thoải mái suốt cả ngày. Chất vải này đặc biệt phù hợp với phong cách thanh lịch, tối giản hoặc casual hiện đại, giúp người mặc vừa sang trọng vừa thư thái trong mọi hoàn cảnh.
Chất liệu may áo sơ mi nam: Vải Super Soft
Nhờ đặc tính thoáng khí, đặc biệt ở các loại vải từ sợi tự nhiên, chất liệu này giúp cơ thể luôn thoải mái. Ngoài ra, vải may áo sơ mi này cũng có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhiều loại trang phục. Đặc biệt, một số dòng vải còn có khả năng chống nhăn, giữ form tốt, giúp việc bảo quản trở nên dễ dàng hơn.
Super Soft tồn tại một số nhược điểm như loại vải mềm mại dễ bị mài mòn hoặc rách, làm giảm độ bền theo thời gian. Ngoài ra, các loại vải cao cấp hoặc có quy trình sản xuất phức tạp thường đi kèm với giá thành cao. Một số dòng vải yêu cầu bảo quản cẩn thận, cần giặt và chăm sóc đúng cách để duy trì độ mềm mại lâu dài.
Để giữ vải Super Soft bền đẹp, bạn nên tránh dùng chất tẩy mạnh và chọn nơi thoáng mát để phơi. Khi ủi, cần điều chỉnh nhiệt độ phù hợp theo từng loại vải. Ngoài ra, tránh vắt mạnh để duy trì độ mềm mại và form dáng của trang phục.
Áo sơ mi nam cực chất
Cách Nhận Biết Chất Liệu Vải Sơ Mi Chất Lượng
Việc kiểm tra chất liệu vải may áo sơ mi sẽ giúp bạn chọn được áo sơ mi phù hợp, bền đẹp và thoải mái nhất khi mặc. Bạn có thể kiểm tra bằng những cách đơn giản sau:
- Kiểm tra nhãn mác để xem thành phần vải trên nhãn mác (cotton, polyester, linen, silk…). Chú ý các ký hiệu liên quan đến độ co giãn, độ bền, cách giặt và bảo quản.
- Kiểm tra độ co giãn, độ mịn, độ bền: Dùng tay kéo nhẹ vải để kiểm tra độ đàn hồi. Sờ bề mặt vải để cảm nhận độ mềm mịn, tránh vải thô ráp gây khó chịu khi mặc. Vò nhẹ vải để xem khả năng chống nhăn, nếu vải nhanh nhàu có thể là cotton nguyên chất.
- Thử bằng nước và lửa: Nhỏ vài giọt nước lên vải, nếu thấm nhanh là cotton, nếu nước đọng lại có thể chứa nhiều polyester. Ngoài ra, có thể đốt một mẫu vải nhỏ để thử chất vải, nếu là vải cotton thì cháy thành tro mịn, polyester cháy vón cục và có mùi nhựa.
Kiểm tra vải bằng cách đốt, vò vải hoặc thấm nước
Bí Quyết Chọn Chất Liệu Vải May Áo Sơ Mi
Để có một chiếc áo sơ mi đẹp, thoải mái và phù hợp nhu cầu sử dụng, việc lựa chọn chất liệu vải đóng vai trò vô cùng quan trọng. Coolmate xin mách bạn một số bí quyết chọn chất liệu vải may áo sơ mi cực hữu ích sau đây:
Chọn theo mùa
Vào mùa hè, bạn nên chọn áo sơ mi có vải thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Ví dụ: Cotton, Linen, Bamboo... Ngược lại, khi thời tiết vào đông, bạn nên ưu tiên những chiếc áo sơ mi có chất vải giữ ấm, dày dặn, ít thoát nhiệt hơn. Ví dụ: Flannel, Oxford, Denim...
Chọn theo hoàn cảnh
Mỗi dịp khác nhau cũng sẽ phù hợp với mỗi loại vải áo sơ mi khác nhau. Ví dụ:
- Công sở: Chọn vải ít nhăn, giữ dáng tốt và thoáng mát như Cotton, Poplin.
- Dự tiệc, sự kiện: Chọn vải mềm mịn, ít nhăn và có độ bóng nhẹ như Silk, Satin.
- Dã ngoại: Chọn vải mềm mịn, thoáng khí và thấm hút mồ hôi tốt như Cotton, Bamboo.
Mùa, phong cách, dáng người... ảnh hưởng trực tiếp đến việc chọn chất liệu áo sơ mi
Chọn theo phong cách
Đối với phong cách trẻ trung năng động, nên ưu tiên chọn vải thoáng mát, dễ chịu, thích hợp để mặc hằng ngày. Ví dụ: Cottpn, linen, poplin...
Đối với phong cách lịch lãm, sang trọng nên chọn vải satin. Vải này mềm mại, có độ bóng sang trọng, thích hợp cho các dịp quan trọng. Vải lụa cũng mang đến cảm giác quý phái, mượt mà, phù hợp với áo sơ mi cao cấp.
Đối với phong cách đơn giản, thanh lịch chất vải lụa mềm mại, sẽ mang lại vẻ sang trọng và tinh tế. Trong khi đó, voan sẽ tôn lên nét diệu dàng, thanh thoát.
Chọn theo dáng người
Nếu bạn gầy, mảnh mai nên chọn vải dày như nhung tăm, kaki, linen hoặc cotton dệt dày. Tránh vải quá mỏng, rủ như lụa, satin. Trường hợp bạn có thân hình đầy đặn, hơi mũm mĩm hãy chọn vải mềm nhưng có độ đứng như cotton cao cấp, poplin. Tránh vải dày, cứng như kaki dày, vải nhung tăm. Còn nếu, dáng người thuộc các dạng sau:
- Đồng hồ cát: Chọn vải rủ nhẹ như lụa, cotton mềm giúp tôn lên vòng eo quyến rũ.
- Tam giác ngược: Chọn vải mềm, ít bóng để tạo sự cân bằng cho phần vai rộng.
- Dáng quả lê: Chọn vải đứng form để giúp phần trên trông hài hòa hơn.
- Dáng chữ nhật: Chọn vải mềm mại như lụa, voan sẽ giúp tạo đường nét thanh thoát tính hơn.
Chọn vải theo dáng người sẽ tôn lên đường nét cơ thể, che khuyết điểm
Xu Hướng Chất Liệu May Áo Sơ Mi Hiện Nay
Các Loại Vải Mới, Thân Thiện Môi Trường:
- Vải Bamboo Soft: Mềm, nhẹ, thoáng khí, kháng khuẩn tự nhiên. Thân thiện với môi trường, ít gây kích ứng da.
- Vải sợi Cà phê: Làm từ bã cà phê tái chế, có khả năng khử mùi và kháng khuẩn tốt. Thích hợp cho áo sơ mi công sở hoặc thể thao.
- Vải Tencel (Sợi gỗ tự nhiên): Mềm mịn, mát và dễ phân hủy sinh học. Ít nhăn, thích hợp cho sơ mi cao cấp.
- Vải Modal: Giữ màu tốt, mềm mại, có độ bóng nhẹ, tạo sự sang trọng. Hút ẩm tốt hơn vải cotton và thoáng khí.
Công Nghệ Sản Xuất Mới:
- Vải chống nhăn: Được xử lý để hạn chế nhăn, giữ form lâu, không cần ủi nhiều. Phù hợp cho áo sơ mi công sở, tiện lợi khi di chuyển.
- Vải thông minh: Tích hợp khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, chống tia UV, kháng khuẩn. Phù hợp với dân văn phòng và những người thường xuyên vận động.
- Vải nhuộm màu sinh học: Sử dụng các loại thuốc nhuộm tự nhiên từ thực vật, giúp giảm ô nhiễm môi trường.
Chất liệu vải thân thiện với môi trường ngày càng được ưa chuộng
Màu Sắc Và Họa Tiết Thịnh Hành
Bên cạnh chất liệu, gam màu là vấn đề nhiều người quan tâm khi lựa chọn áo sơ mi. Gam màu trung tính như trắng kem, be, nâu nhạt, xám nhẹ mang đến vẻ thanh lịch, dễ phối đồ. Màu pastel như xanh mint, hồng phấn, tím lavender tạo cảm giác trẻ trung, nhẹ nhàng. Trong khi đó, xanh navy và xanh olive thể hiện sự nam tính, lịch lãm, lý tưởng cho sơ mi hàng ngày.
Về họa tiết, xu hướng kẻ sọc nhỏ giúp tạo hiệu ứng thon gọn, rất được chuộng cho sơ mi công sở. Họa tiết cổ điển mang đến nét retro, casual đầy cuốn hút. Trong khi đó, họa tiết trừu tượng và hình học thể hiện phong cách hiện đại, cá tính.
Các họa tiết áo sơ mi thịnh hành
Một số câu hỏi thường gặp về chất liệu may áo sơ mi
1. Loại vải may áo sơ mi nào không nhăn ?
Để giảm thiểu việc ủi đồ, bạn có thể chọn các loại vải may áo sơ mi như vải Kate hoặc vải Kaki.
2. May 1 áo sơ mi cần bao nhiêu vải ?
Dưới đây là bảng tính vải may áo sơ mi theo chiều cao. Số liệu trong bảng áp dụng cho khổ vải 1m50.
Bảng tính vải may áo sơ mi theo chiều cao:
3. Những chất liệu may áo sơ mi dành cho Xuân - Hè
Thời tiết mùa hè thường khá oi, nóng bức. Do vậy, khi chọn chất liệu may áo sơ mi, bạn nên ưu tiên lựa chọn các chất liệu mỏng, mịn mát, thoát nhiệt tốt, nhẹ như: vải thun, vải cotton, vải linen, vải lụa, vải voan,...
4. Chất liệu may áo sơ mi dành cho Thu - Đông
Vào mùa đông bạn nên ưu tiên lựa chọn các chất liệu may áo sơ mi có độ dày phù hợp, giữ ấm cơ thể tốt như: vải cotton, vải sợi tre, vải thô,...
Kết luận
Trên đây là những loại vải thường được các nhà thiết kế lựa chọn để may áo sơ mi phổ biến nhất hiện nay. Với sự sáng tạo không ngừng, những chất liệu này mang đến cho chúng ta vô vàn các mẫu áo sơ mi đẹp với các ưu điểm khác nhau. Hy vọng bài viết có thể giúp bạn trả lời được câu hỏi áo sơ mi thường làm bằng vải gì và tìm cho mình mẫu thiết kế với chất liệu áo sơ mi đẹp và phù hợp nhất. Đừng quên tham khảo thêm nhiều bài viết khác tại Blog Coolmate nhé!