Có dự án nào ngay lập tức xuất hiện trong đầu bạn khi nhắc đến Vinamilk? Đối với tôi, đó là những chương trình “Sữa học đường”, “Vươn cao Việt Nam” nhằm tạo điều kiện tốt nhất về cả thể chất và tinh thần cho thế hệ tương lai của đất nước.
Tại sao những chương trình này lại được nhắc đến nhiều như thế? Bởi đó là những dự án ý nghĩa với mục tiêu mang lại những điều tốt đẹp hơn cho xã hội. Ai cũng biết rằng: “Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước”. Và việc quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của trẻ em là điều cần thiết, để chúng ta một thế hệ tương lai mạnh giỏi và để chúng ta có một đất nước thực sự phát triển giàu mạnh.
Đây có lẽ là ví dụ điển hình nhất tại Việt Nam về một doanh nghiệp đã triển khai thành công chính sách Corporate Social Responsibility (CSR), hay còn được gọi là “Trách nhiệm Xã hội”. Vậy Trách nhiệm xã hội là gì? Chính sách này có tính quyết định đối với một doanh nghiệp như thế nào?
1. Trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp là gì?
Đã có rất nhiều nỗ lực để đưa ra một khái niệm cho “Trách nhiệm xã hội”, bởi mỗi thời điểm lại có sự khác nhau về nhu cầu con người và những thách thức từ môi trường. Định nghĩa của Carroll về mô hình CSR (2004) có lẽ là đóng góp có ảnh hướng lớn nhất và là nền tảng cho những phát triển trong mô hình CSR sau này. Carroll cho rằng “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao hàm các kì vọng của xã hội về kinh tế, pháp luật, đạo đức và thiện nguyện mà một doanh nghiệp cần đáp ứng tại một thời điểm nhất định”.
Điều đó có nghĩa là một doanh nghiệp ngoài chức năng cơ bản là thực thi các mục tiêu về kinh tế, họ còn có trách nhiệm tuân thủ pháp luật và đáp ứng các tiêu chuẩn về mặt đạo đức.
Suy cho cùng thì để sản xuất và kinh doanh thì doanh nhân nào cũng sẽ phải dùng đến các nguồn lực chung của xã hội, đơn cử như nước, đất đai, cây cỏ và nguồn lao động. Chính bởi vậy nên mỗi doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng góp công sức của mình để bù đắp những tổn thất mình gây ra và trên hết là cùng gây dựng một xã hội phát triển bền vững.
2. Tại sao doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm xã hội của mình?
Gọi là “trách nhiệm” nhưng chính sách CSR mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hơn ta tưởng.
Bằng cách đưa CSR vào mô hình vận hành, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tạo nhiều điều kiện hơn cho người lao động, cải thiện chính sách hưởng lợi cho nhân viên, thay đổi phương pháp sản xuất sao cho tiết kiệm và thân thiện với môi trường hơn.
Các hoạt động từ thiện của các doanh nghiệp lớn cũng dần xuất hiện dày đặc hơn trên các mặt báo. Những hoạt động thiện nguyện này vừa giúp mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng, vừa xây dựng một hình ảnh đẹp và uy tín của thương hiệu.
Ngoài ra, thực hiện trách nhiệm xã hội giúp doanh nghiệp có được sự tín nhiệm từ nhân viên, trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng và thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ các công ty đối tác trong nước và nước ngoài. CSR cũng dần trở thành một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ bền vững hay chung hơn là độ tín nhiệm của một doanh nghiệp trong quá trình trao đổi và đàm phán.
3. Thực tế việc thực hiện CSR tại các doanh nghiệp Việt Nam
Trách nhiệm xã hội dù đã xuất hiện và phát triển từ lâu nhưng lại là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam, thường được coi là một gánh nặng chi phí hoặc thậm chí chỉ được hiểu là các hoạt động từ thiện.
Tuy nhiên sau hàng loạt các vụ bê bối xả thải gây thiệt hại nghiêm trọng tới nguồn nước hay tận dụng các nguyên liệu hết hạn của Vedan, Formosa, THP, v.v, trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường và cộng đồng đã được lưu tâm nhiều hơn.
Nhiều giải thưởng đã bắt đầu đề cao những đóng góp của doanh nghiệp với xã hội như danh hiệu Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững của VCCI, … Ngoài ra CSR cũng được khuyến khích đưa vào các báo cáo thường niên và được chú trọng hơn trong quá trình vận hành của mỗi thương hiệu.
Trên thực tế, để thực hiện tốt mô hình CSR thì không thể phủ nhận những khó khăn về mặt tài chính. Đặc biệt khi nền kinh tế toàn cầu đang dần suy thoái vì diễn biến khó lường của dịch COVID-19 thì doanh nghiệp càng gặp nhiều cản trở trong việc duy trì nguồn doanh thu. Tuy nhiên nếu biết tận dụng cơ hội, CSR có thể trở thành một phương thức hiệu quả để các doanh nghiệp ghi dấu ấn tên tuổi của mình với truyền thông và khách hàng qua các chiến dịch trách nhiệm xã hội đa dạng.
Có thể kể đến những đóng góp về máy móc y tế của tập đoàn Vingroup, các chính sách hỗ trợ tài xế của Grab, chiến dịch "Vuông tròn yêu thương" của thương hiệu bánh Karo hay trợ giá mùa dịch của YODY. Phương pháp trích xuất lợi nhuận cũng là một cách làm hiệu quả để doanh nghiệp vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa tạo sức hút với khách hàng trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Chính sách hỗ trợ tài xế của Grab
Vingroup đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình trong cuộc chiến chống COVID-19
4. Care & Share – Một dự án tâm huyết với trách nhiệm xã hội tại Coolmate
“Một công ty không cần phải lớn mới làm được điều ý nghĩa.” - Coolmate
Từ những ngày đầu tiên thành lập, đây đã là một sứ mệnh mà Coolmate luôn tin tưởng và theo đuổi. Và đó cũng là một lí do dự án Care & Share ra đời. Đây là một dự án thiện nguyện giúp cải thiện cuộc sống thường ngày của các em nhỏ không may gặp nhiều khó khăn, bất hạnh.
Bằng cách trích 10% doanh thu từ các sản phẩm có gắn logo Care & Share như áo thun, mũ lưỡi trai, túi tote và các bộ kit cho trẻ em,… Coolmate mong muốn rằng chúng ta, các chàng trai của gia đình nhà Cun, sẽ đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho vô vàn những em nhỏ chưa có điều kiện trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu này.
Trong tương lai, ý nghĩa của Care & Share sẽ còn rộng lớn nhiều hơn thế. “Care” có nghĩa là quan tâm, “Share” có nghĩa là chia sẻ, và “Care & Share” có nghĩa là sự quan tâm chia sẻ, không chỉ đến các em nhỏ, mà còn đến bất cứ mảnh đời khó khăn nào trong xã hội. Và đó sẽ là mục tiêu theo đuổi mới của dự án đầy yêu thương và tâm huyết này.
Truy cập Care & Share để cùng lan toả nhiều hơn những điều tốt đẹp này đến mọi người nhé.