Vải mango là cái tên vừa lạ vừa quen. Quen vì rất nhiều trang phục trong đời sống hằng ngày được may bằng vải mango. Lạ vì hẳn nhiều người vẫn chưa biết vải mango là gì và thường nhầm lẫn loại vải này với lụa vì sự giống nhau giữa chúng. Để làm rõ khái niệm về vải mango, cách nhận biết, bảo quản cũng như tính ứng dụng của nó, hãy cùng Coolmate tìm hiểu qua những chia sẻ ngay sau đây!
1. Vải mango là gì?
Vải mango có độ bóng nhẹ và mềm mại như lụa
Vải mango thường dùng để may trang phục mùa hè và không quá thích hợp để mặc vào mùa đông. Độ bền cao, độ co giãn khá tốt và độ rũ tự nhiên giúp mango trở thành loại vải lý tưởng để may trang phục công sở thanh lịch và hiện đại.
Ngày nay, vải mango được cải tiến với rất nhiều màu sắc và họa tiết bề mặt khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tín đồ thời trang. Vì độ bóng mượt của nó mà người ta thường nhầm lẫn vải mango với lụa.
2. Nguồn gốc của vải mango
Người ta có thể dễ dàng trả lời vải mango là vải gì nhưng không ai biết chính xác về nguồn gốc của nó. Vải mango không có lịch sử ra đời rõ ràng và lâu đời giống như cotton hay linen. Chỉ biết rằng đây là loại vải tổng hợp và không có nguồn gốc từ thiên nhiên. Khi cháy vải thường có mùi khó chịu và tro bị vón cục như nylon.
Vải mango là sự kết hợp giữa vải polyester và spandex
Hai loại vải tạo nên vải mango là polyester và spandex ra đời cách đây gần 1 thế kỷ. Có thể thấy, sự kết hợp hai chất vải này với tỉ lệ khác nhau có thể cho ra nhiều loại vải đáp ứng nhu cầu may mặc đa dạng của con người. Ngoài ra, sự ra đời của vải mango còn thể hiện khả năng thích nghi linh hoạt của con người với điều kiện thời tiết nóng bức.
Vải mango xuất hiện ở nhiều quốc gia với các tên gọi gắn liền như mango Hàn, mango Nhật,... nhưng thông dụng nhất vẫn là mango Hàn Quốc. Dù là vải mango ở đâu thì cũng giữ được những đặc tính tiêu biểu về độ bền, khả năng linh hoạt và chống nhăn hiệu quả.
3. Ưu điểm vải mango
Vải mango sở hữu nhiều ưu điểm được nhà may yêu thích
Giữ form dáng tốt, ít nhăn
Khá giống với các loại vải như cotton lạnh, thun lạnh, vải kate, voan,... thì vải mango cũng có độ giữ nếp rất là tốt, không những giữ nếp tốt, không nhăn, gấp nếp sau khi sử dụng mà kể cả khi giặt xong vải mango vẫn vô cùng thẳng và vẫn duy trì nếp.
Vải mango có khả năng chống nhăn rất tốt
Nhờ đó, bạn tiết kiệm thời gian là ủi, giặt sấy xong là mặc được ngay, rất tiện cho những ai bận rộn, ít thời gian. Ngoài ra, việc bảo vệ vải khỏi tác động của nhiệt cũng giúp tăng tuổi thọ của vải, thời gian sử dụng lâu.
Trọng lượng nhẹ
Dù sờ chất vải rất dày dặn, nhưng trọng lượng của vải mango lại rất nhẹ. Do đó, chỉ cần mặc lên là tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái, không gây cảm giác bị đè nặng.
Vải mango cho người mặc cảm giác mềm nhẹ
Hơn nữa, cũng nhờ ưu điểm này của vải mango, các nhà thiết kế có thể tận dụng để cho ra nhiều mẫu thiết kế độc đáo với số lượng vải tùy thích mà không lo về trọng lượng của bộ quần áo khi được mặc lên người sử dụng.
An toàn với con người
Mặc dù được cấu tạo đa phần từ sợi poly, một trong những loại sợi được làm từ thành phần khó phân hủy bởi đây là loại sợi tổng hợp. Nhưng qua các kỹ thuật xử lý, loại vải mango khi được đến tay người sử dụng lại vô cùng mềm mại, thân thiện và an toàn với da người.
Độ bền cao
Nhờ 90% thành phần cấu tạo từ sợi polyester, loại sợi tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ, sau nhiều những công đoạn trùng hợp và kéo sợi mới có thể tạo ra được loại sợi bền bỉ và chắc chắn này. Do đó vải mango cũng mang những ưu điểm nổi bật của loại sợi poly này là sự cứng cáp, không bị bai xù lông sau quá trình sử dụng, giặt giũ, có khả năng chống chịu tốt với môi trường khắc nghiệt.
Vải mango giữ được độ bóng và ít bị xù lông qua quá trình sử dụng
Vậy nên người dùng có thể yên tâm sử dụng từ 1 - 2 năm mà không lo chiếc áo, quần của mình bị xuống cấp nhanh chóng. Nhưng sử dụng bất cứ loại vải nào cho dù là đắt tiền và vô cùng cao cấp thì chúng ta cũng nên cẩn thận, giữ gìn thì chiếc áo, chiếc quần đó mới có thể sử dụng lâu dài được.
Màu sắc đa dạng
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội về mặt công năng thì về phần nhìn, vải mango cũng làm rất tốt khi có thể đem đến nhiều màu sắc khác nhau cho người sử dụng thoải mái lựa chọn. Lý giải cho việc này thì trong cấu tạo của vải mango có 10% thành phần là sợi spandex, một loại sợi được sản xuất ra với mục đích thay thế cao su, với khả năng nhuộm màu vô cùng dễ dàng và lên màu đẹp.
Màu sắc và họa tiết của vải mango rất đa dạng
Do đó, vải mango cũng mang những đặc tính nổi bật của loại vải này như sự đàn hồi linh hoạt, mềm mại và đa dạng các màu sắc khác nhau. Đây cũng là một ưu điểm giúp ích cho những nhà thiết kế khi họ có thể sáng tạo với nhiều mẫu áo, quần từ chất liệu vải mango này hơn với sự kết hợp hài hòa của nhiều màu sắc khác nhau.
Nhanh khô
Vải mango rất nhanh khô nhờ khả năng bay hơi nhanh của sợi spandex và sợi poly. Do đó, bạn chỉ cần phơi quần áo từ 2-3 tiếng với nhiệt độ 25-30 độ là đã khô ráo và có thể mặc được.
Đây cũng là lý do vải mango được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là những ai quá bận rộn, ít thời gian chăm lo trang phục.
4. Nhược điểm vải mango
Một số nhược điểm của vải mango
Giữ nhiệt kém
Sợi vải polyester và spandex khi được qua các công đoạn xử lý và kéo sợi đã bị mất đi khá nhiều khả năng giữ nhiệt. Do đó, vải mango chủ yếu sử dụng cho mùa xuân hè. Nếu muốn mặc vào mùa đông, cần có thêm những chiếc áo khoác bên ngoài để giữ ấm.
Độ co giãn kém
Dù được dệt từ sợi vải spandex có đặc tính co giãn tốt 4 chiều và khả năng co giãn gấp nhiều lần so với kích thước ban đầu nhưng chỉ được cấu tạo với 10% spandex và còn qua các khâu xử lý và kéo sợi, do đó càng làm giảm tính đàn hồi và co giãn của vải mango.
Một trong những nhược điểm của vải mango là co giãn chưa tốt
Vì thế vải mango sẽ có nhược điểm là khá thô và cứng, độ đàn hồi không tốt và dễ bị rách, hỏng nếu như bị tác động một lực kéo mạnh. Bạn hãy cân nhắc lựa chọn size và may vải thật phù hợp với cơ thể để khắc phục nhược điểm này của vải mango.
Khả năng chịu nhiệt thấp
Bên cạnh các nhược điểm trên, vải mango còn gặp phải một nhược điểm cố hữu khác là khả năng chịu được nhiệt thấp. Dưới nắng nóng Hà Nội 30 - 40 độ C thì có thể chịu được nhưng sẽ làm giảm tuổi thọ của loại vải này. Trường hợp cao hơn là dưới sức nóng của bàn ủi và thường xuyên sẽ dễ gây cháy vải hoặc thậm chí là rách vải ngay lập tức.
Vậy để tránh được nhược điểm này thì chúng ta sẽ hạn chế là ủi quần áo. Thông thường vải mango đã luôn giữ nếp rất tốt và luôn phẳng phiu dù sau khi giặt hoặc sử dụng trong thời gian dài, nên bạn hoàn toàn có thể không cần ủi để tăng tuổi thọ đáng kể cho vải.
5. Các loại vải mango
Vải mango cát
Khác với sự mềm mại của vải Nhật hay Hàn, vải mango cát có bề mặt nhám và có tính sợi. Tuy vậy, chúng vẫn đủ đem lại sự thoải mái và dễ chịu cho người mặc.
Vải mango cát có bề mặt nhám và không bóng như các loại khác
Ưu điểm vượt trội của vải mango cát đó là sự dày dặn và bề mặt nhám, cứng cáp, giúp cho khả năng giữ form của áo, quần rất tốt. Ngoài ra vải mango cát cũng có khả năng thấm hút mồ hôi và bay hơi cực kì tốt, là một lựa chọn cho dân thể thao vào những ngày hè nắng nóng.
Vải mango Nhật Bản
Vải mango đến từ đất nước mặt trời mọc có một đặc tính khác với vải mango cát đó là sự mềm mịn, trơn mượt không khác gì vải nhung.
Vải mango Nhật Bản vẫn mang những đặc điểm nổi bật của một tấm vải mango đó là sự thoáng khí, nhẹ nhàng và thâm hút cũng như bay hơi tốt. Loại vải này thường được sử dụng để may đầm, váy hoặc áo sơ mi, những bộ trang phục quý phái và trang trọng.
Vải mango lụa
Vải mango lụa là sản phẩm vải mango được cấu tạo theo đúng thành phần 90% polyester và 10% spandex nhất trong các loại vải mango. Vì tuân thủ theo đúng tỷ lệ thành phần này nên vải mango lụa cũng mang một sự mềm mại và khả năng bền bỉ, không bị bai xù lông dù trải qua nhiều lần giặt hay sử dụng.
Vải mango lụa mềm mại và bóng loáng như lụa
Bề mặt vải có họa tiết gợn sóng vô cùng đặc sắc, vải mango lụa nhẹ nhàng, chất liệu vô cùng mát mẻ và màu sắc cũng đa dạng, bắt mắt. Do vậy nên vải mango lụa là chất liệu được sử dụng để hoàn thiện các bộ quần áo mùa hè nhiều nhất từ trước đến nay.
Vải mango trơn
Đúng như tên gọi của loại vải này, vải mango trơn vừa trơn mịn, mượt mà và cũng không hề có bất cứ họa tiết nào trên miếng vải. Vẫn sở hữu những đặc điểm như thoáng khí, thấm hút mồ hôi và độ bền cao. Vải mango trơn thường xuyên được sử dụng để may các loại áo dài truyền thống, áo sơ mi hoặc những trang phục mang hơi hướng tối giản.
Vải mango trơn có bề mặt vải trơn mịn, mượt mà
Vải mango Hàn Quốc
Cuối cùng là loại vải mango Hàn Quốc, loại vải mango được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất trên thế giới.
Vải mango Hàn là loại vải được người mặc ưa chuộng nhất
Vải mango Hàn Quốc mang lại sự thanh tao, trang nhã và vô cùng cuốn hút khi mới lần đầu nhìn thấy. Cùng với đó là sự mềm mại, thoáng mát và khả năng thấm hút mồ hôi tốt đã tạo nên một loại vải độc đáo, ưu điểm vượt trội và cũng không khó hiểu khi loại vải này lại được sử dụng nhiều đến như vậy.
6. Cách nhận biết vải mango đơn giản
Vải mango thường bị nhầm lẫn với lụa vì bề mặt vải bóng mượt. Để xác định xem trang phục có được may từ vải mango hay không, cách nhanh và chính xác nhất là đọc thông tin in trên nhãn mác. Ngoài ra, bạn còn có thể nhận biết chất vải mango thông qua các cách đơn giản như:
Có thể cảm nhận bằng tay để xác định vải mango
- Quan sát bằng mắt: Vải mango mỏng nhưng dày hơn vải polyester, có độ bóng nhẹ, chất vải mịn và khó nhăn. Khi nhỏ nước lên vải, tốc độ thấm nước của vải mango tương đối chậm.
- Cảm nhận bằng tay: Cảm giác mềm mại nhưng không bằng lụa, mát, khó để xé vải thành các mảnh nhỏ.
- Cảm giác khi mặc lên người: Vải mango đem lại cảm giác mát mẻ, thoải mái và nhẹ nhàng. Với độ rũ lý tưởng, loại vải này đem đến vẻ thanh lịch và thướt tha cho trang phục của bạn.
7. Ứng dụng của vải mango trong may mặc
Những đặc điểm nổi trội của vải mango cũng được xem là bước tiến lớn trong ngành công nghiệp thời trang. Tính ứng dụng đa dạng giúp vải mango trở thành lựa chọn lý tưởng để may các trang phục như:
Trang phục thường ngày
Cảm giác mỏng nhẹ và mát mẻ mà vải mango mang lại rất hợp với các trang phục thường ngày. Đặc biệt, vào mùa hè, các loại áo thun, quần short, váy,... được may từ vải mango trở nên rất phổ biến. Với khả năng hút ẩm tốt và độ co giãn vừa phải giúp người mặc cảm thấy thoải mái suốt ngày dài.
Vải mango may trang phục thường ngày thoải mái và mát mẻ
Trang phục công sở
Vải mango góp phần tạo nên vẻ ngoài thanh lịch, chỉn chu và chuyên nghiệp cho trang phục công sở. Nhờ độ đứng form, khả năng chống nhăn hiệu quả và chất vải mềm mịn, vải mango được dân văn phòng đặc biệt yêu thích. Các sản phẩm được may từ vải mango có thể là áo sơ mi, vest, quần tây,...
Trang phục công sở thanh lịch và duyên dáng được may từ vải mango
Trang phục dự tiệc
Độ bóng và rũ tự nhiên của vải mango đem lại cảm giác sang trọng và cuốn hút cho người mặc, rất thích hợp mặc vào các buổi tiệc. Vải mango có thể dùng để thiết kế đầm với nhiều phong cách, màu sắc và họa tiết khác nhau như đầm dạ tiệc thướt tha đến đầm maxi quyến rũ,...
Cảm giác quý phái và sang trọng toát lên trong trang phục có độ rũ tự nhiên của vải mango
Trang phục dạo phố
Những trang phục như đầm xòe, jumpsuit,... được may bằng vải mango rất được ưa chuộng vào mùa hè. Outfit này đơn giản, mát mẻ nhưng không kém phần thời trang. Đặc biệt chúng có thể biến hóa nhiều phong cách khác nhau và phù hợp với nhiều đối tượng người mặc.
Dạo phố mùa hè không thể thiếu những trang phục may bằng vải mango
Nội thất
Những chiếc rèm cửa may bằng vải mango in họa tiết đẹp mắt hẳn không còn xa lạ với nhiều người. Tính chất mềm mại và độ bóng nhẹ của vải giúp mang lại không gian sống thoải mái, dễ chịu nhưng không kém phần tinh tế và sang trọng.
Rèm cửa may bằng vải mango tạo không gian sang trọng
8. Hướng dẫn cách vệ sinh và bảo quản vải mango
Tuy vải mango có ưu điểm về độ bền cao nhưng nếu không có cách bảo quản phù hợp thì khó duy trì trạng thái tối ưu nhất của vải. Chỉ với một vài lưu ý nhỏ trong quá trình giữ gìn trang phục được may bằng vải mango, bạn có thể giữ cho áo quần luôn đẹp như mới.
Giặt vải bằng nước có nhiệt độ vừa phải
Khả năng chịu nhiệt kém của vải mango khiến nó ít có khả năng giữ nguyên trạng thái khi gặp nước nóng. Nước quá nóng khiến trang phục dễ bị co rút nhỏ lại, lâu dài làm giảm tuổi thọ của vải. Nhiệt độ nước phù hợp là khoảng dưới 30 độ C.
Giặt đồ với nhiệt độ nước trung bình, tốt nhất là từ lạnh đến ấm
Hạn chế sử dụng bàn ủi
Tính chất khó nhăn của vải mango giúp bạn tiết kiệm thời gian chuẩn bị áo quần. Bạn không cần ủi đồ thì trang phục vẫn giữ được form dáng chuẩn cùng sự phẳng phiu. Sử dụng bàn ủi còn tác động nhiệt lên vải, không kiểm soát tốt có thể khiến vải bị cháy.
Phân loại quần áo trước khi giặt
Thành phần spandex trong vải mango là nguyên nhân khiến nó dễ bị loang màu từ các loại vải khác. Vậy nên, trước khi giặt hãy dành một ít thời gian phân loại quần áo trắng và màu để giữ cho quần áo luôn mới.
Phân loại quần áo trắng và có màu để hạn chế tình trạng loang màu cho vải mango
Phơi vải nơi thoáng mát
Ánh nắng trực tiếp của mặt trời ảnh hưởng lớn đến màu sắc và chất lượng sợi vải. Tốt hơn hết, bạn nên phơi vải ở những nơi thoáng khí và khô ráo. Với đặc tính bốc hơi tốt, vải mango không cần phơi dưới ánh nắng vẫn có thể dễ dàng khô ráo.
Rũ vải nhẹ nhàng để ráo nước
Thói quen vắt quần áo cho ráo nước rất phổ biến. Với vải mango, bạn chỉ nên rũ nhẹ nhàng hoặc bóp nhẹ để bớt nước. Không nên dùng lực quá mạnh để xoắn vải vì dễ khiến vải mất đi độ co giãn tự nhiên.
Tránh vắt quần áo quá chặt vì có thể ảnh hưởng đến kết cấu vải mango
9. Những câu hỏi thường gặp
Chất vải mango có bị nhăn không?
Nhờ cấu trúc sợi tương tự vải kate, vải mango giữ form dáng rất tốt. Điều này có nghĩa là quần áo làm từ vải mango ít bị nhăn hơn, giúp bạn luôn trông gọn gàng, chỉn chu.
Vải mango có mát khi mặc trên người không?
Vải mango được đánh giá cao về độ thoáng mát, rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Chất liệu mềm mịn, không gây bí bức, mang đến cảm giác dễ chịu khi mặc.
Vải mango có kết cấu dày hay mỏng?
So với các loại vải poly khác, vải mango có độ dày hơn, giúp giữ ấm nhẹ nhàng vào mùa xuân. Tuy nhiên, nó vẫn đủ mỏng để mặc thoải mái trong những ngày hè không quá nóng.
Vải mango có co giãn không?
Nhờ thành phần 10% Spandex, vải mango có một chút độ co giãn, giúp bạn thoải mái vận động. Tuy nhiên, độ co giãn này không quá lớn, đảm bảo quần áo giữ được form dáng tốt.
Lời kết
Những ưu điểm vượt trội lấn át những nhược điểm không đáng kể giúp vải mango trở thành xu hướng may mặc vào mùa hè. Vải mango ngày càng được cải tiến không chỉ về chất liệu mà còn là hình thức đem lại trải nghiệm tuyệt vời hơn cho người mặc. Diện vải mango giúp bạn luôn cảm thấy mát mẻ và tự tin với vẻ ngoài thanh thoát và dịu dàng.
Không chỉ có vải mango mà còn nhiều loại vải có tính ứng dụng cao khác đang đợi bạn khám phá trong mục CoolBlog nữa đấy!