Phong cách Retro và Vintage là hai phong cách xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực khác nhau như thời trang, thiết kế, nội thất, … Chúng đều chỉ về những thứ xưa cũ, cổ điển, và có rất nhiều người nhầm lẫn cho rằng chúng là hai khái niệm như nhau. Tuy nhiên, sự thật là Vintage và Retro có những sự khác biệt nhất định. Vậy hãy cùng Coolmate tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1. Tìm hiểu về Vintage và thời trang Vintage
1.1 Vintage là gì?
"Vintage" được dùng lần đầu vào thế kỉ 15, bắt nguồn từ "Vendage" của người Anh - Pháp và "Vindemia" theo tiếng Latin, được dùng để chỉ những bình rượu lâu năm. Sau đó, người ta sử dụng nó để chỉ một chiếc xe cũ, có tuổi đời ít nhất 50 năm - vintage car. Cho đến nay, vintage được lan rộng và sử dụng trong nhiều lĩnh vực và mảng thời trang cũng không ngoại lệ.
"Vintage" bắt nguồn từ "Vendage" của người Anh - Pháp và "Vindemia" theo tiếng Latin (Ảnh: Coolmate)
Những món đồ thời trang Vintage như quần áo, phụ kiện, giày dép, túi xách, … được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1920 cho đến năm 1960. Tức là đồ Vintage phụ thuộc vào khoảng thời gian nó được tạo ra chứ không phải kiểu dáng.
Thông thường, số lượng đồ Vintage rất ít vì đa số đã ngưng sản xuất, bị lỗi qua thời gian hoặc rất khó mặc (phụ nữ thời trước thường sở hữu vòng eo chỉ 40 - 50cm như nhân vật Scarlet O’Hara trong phim "Cuốn theo chiều gió").
Những món đồ thời trang Vintage được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1920 cho đến năm 1960 (Ảnh: Coolmate)
1.2 Thời trang vintage là gì?
Kiểu thời trang Vintage chỉ lối ăn mặc cổ điển, mang hơi hướng nét đẹp của quá khứ và sử dụng để làm điểm nhấn cho bộ trang phục. Các bạn có thể dùng lại những thiết kế xưa cũ hoặc món đồ hiện đại nhưng mang nét đặc trưng của thời trang thập niên trước. Khi mặc đồ kiểu này thể hiện nét cổ điển thú vị giữa vô vàn phong cách thời trang khác.
Thời trang Vintage chỉ lối ăn mặc cổ điển, mang hơi hướng nét đẹp của quá khứ (Ảnh: Coolmate)
Nhắc tới thời trang vintage không thể quên những chiếc áo sơ mi caro, áo len màu sắc, áo có họa tiết nổi bật hay đơn giản là áo sơ mi trắng. Đối với áo mặc ngoài, bạn có thể lựa chọn áo khoác da, áo dạ, áo măng tô, … Khi kết hợp các sản phẩm này với nhau một cách tinh tế, chàng sẽ có một set đồ mang phong cách hoài cổ độc đáo.
Những mẫu quần theo xu hướng vintage thưởng là quần cạp cao, quần ống rộng, quần chinos hay quần ống chuông (ống loe). Đừng quên sử dụng các tông màu be, màu đất hoặc màu sắc mang hơi thở vintage nhé.
Nổi bật của phong cách vintage là áo khoác da, quần ống loe, … (Ảnh: Coolmate)
Phụ kiện cũng là món đồ không thể thiếu trong set đồ vintage. Những đôi giày, thắt lưng, túi xách, … sẽ khiến việc phối đồ theo phong cách vintage được hoàn hảo.
2. Tìm hiểu về Retro và thời trang Retro
2.1 Retro là gì?
Retro là thuật ngữ được sử dụng từ những năm 1960 của thế kỉ 20. Phong cách Retro nghĩa là mượn, sao chép hoặc thiết kế bắt chước những phong cách của thời trang Vintage. Đây là từ rút gọn của "retrospective" (hồi tưởng quá khứ) hay có nguồn gốc từ tiếng Latin "retrospectus" (ngược trở lại).
Retro là là từ rút gọn của "retrospective" (hồi tưởng quá khứ) (Ảnh: Fado)
Không rập khuôn những thiết kế của thời kỳ cũ, Retro vừa mang nét đẹp cổ điển lại vừa pha quyện dấu ấn hiện đại của xu hướng thời trang hiện nay. Các nhà mốt danh giá đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng này và cho ra đời vô số bộ sưu tập mới. Trong nhiều năm gần đây, các sàn diễn thời trang nổi tiếng trên thế giới luôn tràn ngập những mẫu thiết kế retro độc đáo và bắt mắt.
2.2 Phong cách thời trang Retro là gì?
Nhìn chung, phong cách Retro trong thời trang chính là những thiết kế, mẫu mã được lấy cảm hứng từ xu hướng thịnh hành trong quá khứ (thường là những năm 1950-1970) nhưng không làm giống như đúc. Retro được kết hợp với phong cách hiện đại để sáng tạo ra một sản phẩm mới với sự hòa quyện giữa cổ điển - hiện đại.
Retro là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại (Ảnh: Coolmate)
Thời trang mang phong cách Retro thường sử dụng các chất liệu như nhung, len, da, denim, cùng với tông màu sáng rực rỡ như đỏ, vàng, cam, xanh dương, hồng, … Retro không chỉ mang tới sự kết hợp hài hòa từ thiết kế cho tới màu sắc, kiểu dáng trang phục mà còn thể hiện cá tính và gu thẩm mỹ của người diện.
Cho dù là phong cách mang tính hoài niệm và xưa cũ, nhưng với sự pha trộn của xu hướng hiện đại vẫn khiến retro là một trong những phong cách được ưa chuộng và thịnh hành trong thế giới thời trang hiện nay.
Thời trang Retro thường sử dụng các chất liệu như nhung, len, da, denim (Ảnh: Coolmate)
3. Phân biệt phong cách thời trang Vintage và Retro
Hai khái niệm thời trang vintage và phong cách retro có lẽ sẽ khiến nhiều người nhầm lẫn vì sự tương đồng mà chúng đem lại. Cả vintage và retro đều mang trong mình nét đẹp và phong cách xưa cũ, hoài cổ nhưng có thể phân biệt được qua những đặc điểm dưới đây.
Vintage và retro khiến nhiều người nhầm lẫn vì nhiều nét tương đồng (Ảnh: Coolmate)
3.1 Khác biệt về ý nghĩa
Như bạn đã biết, từ "Vintage" được dùng lần đầu vào thế kỷ 15, bắt nguồn từ "Vendage" của người Anh - Pháp và "Vindemia" theo tiếng Latin.
Những món đồ thời trang vintage là sản phẩm được sản xuất từ một thập niên xưa cũ. Để được gọi là sản phẩm vintage thì chúng phải được sản xuất tối thiểu từ 20 - 30 năm trước so với cột mốc thời gian hiện đại. Do đó, tất cả sản phẩm được sản xuất trước thập niên 2000 đều có thể gọi là sản phẩm thời trang vintage.
Vintage tái hiện và tôn vinh các sản phẩm thời trang mang tính biểu tượng (Ảnh: Coolmate)
Retro mô phỏng những xu hướng, phong cách thời trang thịnh hành của những thập niên xưa cũ. Và từ "retro" hay "retrospective" có nghĩa là "của những giai đoạn xưa cũ, nhìn về quá khứ".
Như vậy, retro mang hơi hướng cổ điển, quá khứ nhưng lại không làm giống hoàn toàn với những mẫu trong thời điểm trước, mà chủ yếu tập trung tái tạo, làm mới các thiết kế và mẫu mã trong quá khứ để kết hợp với phong cách hiện đại rồi từ đó sáng tạo những thứ mới.
Retro tái tạo, làm mới các thiết kế và mẫu mã của quá khức để kết hợp với phong cách hiện đại (Ảnh: Coolmate)
Điểm khác nhau giữa phong cách retro và vintage là thời gian lịch sử mà chúng tái hiện. Trong khi, phong cách retro liên quan đến thời kỳ từ năm 1950 đến 1980 thì thời trang vintage liên quan đến các sản phẩm thời trang trước những năm 1920.
Hơn nữa, phong cách vintage tập trung vào việc tái hiện và tôn vinh các sản phẩm thời trang mang tính biểu tượng và có giá trị lịch sử. Và phong cách retro lại tập trung vào việc lấy cảm hứng từ các sản phẩm thời trang cổ điển để tạo ra một phong cách sáng tạo và mới mẻ.
Cả vintage và retro đều mang nét đẹp và phong cách xưa cũ, hoài cổ (Ảnh: Vintage & Rags)
3.2 Khác biệt về màu sắc chủ đạo
Bạn sẽ thấy màu sắc chủ đạo của phong cách retro và vintage phần nào khác nhau. Gam màu của vintage thường thanh lịch, nhẹ nhàng và nhã nhặn. Các màu trắng, be, kem, nude (da), xanh nhạt, … là màu sắc thường thấy của vintage. Đôi khi kết hợp với màu nổi khác để làm điểm nhấn cho bộ trang phục.
Những năm 30 - 40 thịnh hành màu hồng nhạt, vàng nhạt hay xanh lá. Thời điểm những năm 1950, vintage tập trung vào màu đỏ tươi, xanh đen cùng họa tiết chấm polka. Còn màu đất với hoa văn to bản thuộc về thập niên 60-70.
Màu sắc của vintage thường thanh lịch, nhẹ nhàng và nhã nhặn (Ảnh: Coolmate)
Bởi vì biến tấu thêm phần hiện đại và cá tính nên retro sẽ thiên về các gam màu mạnh mẽ, đậm và rực rỡ. Thông thường, trang phục được sử dụng cho retro hoàn toàn là đồ mới. Đôi lúc, retro cũng dùng những màu dịu nhẹ như pastel nhưng vẫn giữ nguyên thiết kế. Phá cách, tinh nghịch là hơi thở và khí chất của phong cách retro.
Phong cách retro thiên về gam màu đậm và rực rỡ (Ảnh: Coolmate)
3.3 Khác biệt về phong cách thiết kế
Nhắc tới vintage, người ta sẽ nghĩ đến những gì trong quá khứ. Phong cách mà vintage mang lại thường là nhẹ nhàng, cổ điển và sang trọng.
Sơ mi nhung tăm, họa tiết kẻ caro hay vải flannel, … là đặc trưng của phong cách vintage. Kết hợp với áo khoác da, áo dạ, áo măng tô, … giúp bộ đồ của bạn trở nên đậm chất vintage hơn. Thời trang vintage ưa chuộng những kiểu quần cạp cao, quần ống rộng hoặc quần ống chuông (ống loe).
Không thể thiếu áo khoác dạ, áo măng tô, … khi phối đồ vintage (Ảnh: Coolmate)
Phong cách retro là sự kết hợp giữa cổ điển và đương đại với những sáng tạo độc đáo hướng tới sự trẻ trung, năng động cho người mặc. "Cũ nhưng không cũ" chính là điểm nổi bật của những outfit của phong cách retro cho nam giới. Sự retro thường được thể hiện ở những chi tiết kẻ sọc, họa tiết hình học, …
Không chỉ vậy, nam giới lại cực kỳ yêu thích những set đồ này bởi chất liệu denim, da hay sử dụng chất vải mềm mịn đáp ứng mọi nhu cầu của người mặc. Những chàng trai có thể thoải mái thể hiện cá tính bằng việc kết hợp theo phụ kiện đơn giản như kính mắt, vòng cổ, vòng tay, giày (giày oxford, boot cao cổ), …
"Cũ nhưng không cũ" với những outfit của phong cách retro (Ảnh : Avirex)
Có thể thấy, vintage đem lại sự cổ điển, tinh tế và kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn kết hợp trang phục, còn retro lại chuộng kiểu cách đơn giản và tập trung vào sự phối hợp của trang phục cùng phụ kiện.
4. Ứng dụng phong cách Vintage và Retro qua nhiều lĩnh vực
4.1 Phong cách Vintage và Retro trong thời trang
Xu hướng mua đồ cũ phổ biến trong những năm qua khiến thời trang vintage trỗi dậy mạnh mẽ. Như những món đồ Valentino vintage, Prada vintage hay Fendi vintage được người dùng tìm kiếm nhiều hơn.
Xu hướng mua đồ cũ phổ biến những năm gần đây (Ảnh: Coolmate)
Hay như trên các sàn diễn thời trang, các nhà mốt lớn như Chanel, Dior đã tôn vinh những kiểu áo quần của các thập niên 60s - 90s. Họ nhận ra rằng các thiết kế cổ điển ấy là nguồn di sản quan trọng để định hướng các sản phẩm tương lai.
Trong khi đó, retro mang đến những ý tưởng sáng tạo. Phong cách denim-on-denim, áo khoác da, tanktop kèm quần short, quần jean cùng áo thun hoặc áo sơ mi, quần yếm chữ Y, … là những gợi ý đậm chất retro mà bạn không thể bỏ qua.
Sàn diễn thời trang cũng vinh danh những thiết kế của các thập niên 60s - 90s (Ảnh: Coolmate)
4.2 Phong cách Vintage và Retro trong nhiếp ảnh
Với nhiếp ảnh, phong cách retro và vintage không quá khác nhau và rạch ròi như trong những lĩnh vực khác. Tính chất chung của vintage và retro là chỉ sự cổ điển, hoài niệm quá khứ. Những bức ảnh đi theo xu hướng này thường có màu sắc cũ kỹ, ứa màu nhưng lại thu hút vô cùng, gợi cho chúng ta sự luyến tiếc quá khức, những kỷ niệm xưa ùa về.
Retro và vintage trong nhiếp ảnh không khác nhau (Ảnh: Coolmate)
Một cách giải thích khác thì đây là phong cách sử dụng cảm xúc để truyền đạt ý nghĩa một cách hiệu quả. Trong những năm gần đây, phong cách chụp ảnh vintage và retro được giới trẻ yêu thích sử dụng cho các album cưới hay khoảnh khắc bình dị đời thường. Xa lạ mà quen thuộc vô cùng, ai cũng muốn có riêng một tấm hình theo phong cách xưa cũ như vậy.
Phong cách chụp ảnh vintage và retro được giới trẻ yêu thích (Ảnh: DWP Insider)
4.3 Phong cách Vintage và Retro trong nội thất
Phong cách vintage trong thiết kế nội thất là sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ những thập niên xưa cho đến hiện đại ngày nay. Đây là xu hướng mới trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là quán cà phê bày trí theo kiểu vintage luôn nhận được hiệu ứng tốt. Điều làm nên sự thu hút của một không gian vintage là sự tinh tế, sang trọng, hoài cổ mang lại vẻ lãng mạn.
Quán cà phê theo phong cách vintage (Ảnh: Internet)
Thiết kế nội thất theo phong cách retro bắt nguồn từ Bắc Âu vào những năm 50 khiến thế giới phải đổi thay. Đặc biệt, retro lấy những nguyên tắc chính là cổ điển nhưng được cách tân mạnh mẽ để tạo nét đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được.
Thiết kế cổ điển nhưng được cách tân mạnh mẽ để tạo nét riêng (Ảnh: Decorilla)
Lời kết,
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu tất tần tật thông tin về vintage và retro rồi. Hi vọng qua những chia sẻ trên đã giúp chàng hiểu được phong cách retro và vintage để có thể phân biệt được với xu hướng thời trang khác. Đừng quên theo dõi CoolBlog để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác về thời trang nhé!
"Coolmate - Nơi mua sắm đáng tin cậy dành cho nam giới"
>>> Xem thêm
- Điểm qua 10+ mẫu sơ mi Vintage nam đẹp, độc đáo nhất cho chàng
- Khám phá thời trang nam qua từng thời kỳ từ thập niên 50,60,70 đến 80
- Bỏ túi 9 địa chỉ quán cafe vintage Sài Gòn mang đậm nét hoài cổ