Võ Muay Thái là môn võ truyền thống của Thái Lan, đây cũng là một trong những môn võ thực chiến được yêu thích và rất phổ biến hiện nay. Bạn đang quan tâm và mong muốn tìm hiểu thêm về bộ môn võ Muay Thái nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu.
Trong bài viết hôm nay hãy cùng Coolmate tham khảo một số thông tin về bộ môn võ Muay Thái là gì? và cùng tìm hiểu về môn võ thực chiến đầy sức mạnh này.
Một số thông tin về bộ môn võ Muay Thái
1. Võ Muay Thái là gì?
1.1. Võ Muay Thái là gì?
Võ Muay Thái là một môn võ thuật cổ truyền của người Thái và đã có lịch sử từ hơn 2000 năm. Đây cũng được xem là một môn thể thao phổ thông tại Thái Lan. Người phương Tây thường gọi môn này là quyền Thái (Thai boxing) bởi bộ môn cũng có một số nét tương đồng với môn quyền Anh (boxing).
Môn võ Muay được hình thành từ những cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Võ Muay Thái được coi là một nghệ thuật chiến đấu, mang tính tâm linh và tôn giáo cao cả.
Các võ sĩ Muay Thái gốc thường đeo mongkhon (vòng đầu), mặc quần ngắn, đi chân đất và dùng pra jiad (vải quấn cánh tay) để biểu thị sự tôn trọng. Trước khi thi đấu, võ sĩ còn thực hiện một vũ điệu gọi là wai khru ram muay để chào sân.
Võ Muay Thái là gì?
Võ Muay Thái sử dụng cả tay, chân, khuỷu tay và đầu gối để tấn công và phòng thủ, được gọi là "nghệ thuật của tám chi". Võ sĩ sẽ dùng toàn bộ cơ thể để làm vũ khí tấn công cũng như phòng thủ với sức mạnh lớn, hiệu quả tối đa nhưng vẫn cực kỳ đơn giản. Mỗi đòn đánh của môn Muay Thái đều có ý nghĩa riêng và được đặt tên theo các con vật hoặc các hiện tượng tự nhiên.
Võ Muay Thái không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể lực mà còn phát triển kỹ năng tự vệ và tinh thần chiến đấu. Bộ môn Muay Thái nói chung được xem như một môn thể thao đặc trưng của quốc gia và là một phần của văn hóa và lịch sử Thái Lan, được biểu diễn trong nhiều lễ hội và sự kiện lớn.
Trang phục truyền thống của võ sĩ Muay Thái
1.2. Nguồn gốc của võ Muay Thái
Cũng tương tự như nhiều bộ môn võ khác, Muay Thái là một môn võ cổ truyền được xem như một hình thức chiến đấu có từ thời cổ xưa, xuất phát từ đại bộ phận các dân tộc sau quá trình đúc kết từ các cuộc chiến đấu.
Đến thời kỳ triều đại quốc vương Naresuan (1238-1590), các thế võ cổ truyền được tổng hợp lại để tạo nên bộ môn gọi là Krabi Krabong, võ Muay Thái đã ra đời với xuất xứ từ môn Krabi Krabong.
Võ Muay Thái đã ra đời với xuất xứ từ môn Krabi Krabong
Đến năm 1700, môn thể thao Muay Thái đã dần trở nên phổ biến hơn. Vào những năm đầu thế kỷ 20, môn thể thao này được công nhận là một hình thức nghệ thuật và được biểu diễn tại các lễ hội và sự kiện ở Thái Lan.
Sau này, khi Muay Thái đã phát triển thành môn thể thao có tổ chức quy củ, luật lệ được hướng dẫn khái quát hơn, có thể lệ thi đấu rõ rệt dựa trên luật quốc tế về bộ môn quyền Anh. Năm 2007, Muay Thái chính thức được trở thành một bộ môn thi đấu trong Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) diễn ra tại tỉnh Nakhon Ratchasima.
Muay Thái đã phát triển thành môn thể thao có tổ chức
1.3. Điểm đặc biệt của Muay Thái so với các môn võ khác
Muay Thái được xem là môn võ có lối đánh mạnh và thực dụng nhất trong các loại võ thuật vì lối đánh thiên hẳn về sức mạnh tấn công. Điểm đặc biệt dễ nhận thấy nhất của bộ môn này chính là Muay Thái sử dụng tám chi làm vũ khí, bao gồm hai tay, hai chân, hai khuỷu tay và hai đầu gối, từ đó cho phép võ sĩ có thể tấn công với nhiều góc độ khác nhau.
Trong khi đó, các môn võ khác thường chỉ sử dụng bốn chi làm vũ khí, như quyền Anh chỉ dùng hai tay hoặc karate dùng hai tay và hai chân.
Muay Thái được xem là môn võ có lối đánh mạnh và thực dụng
Muay Thái cũng là môn võ đầy khắc nghiệt, điểm nhấn đặc trưng của thế võ Muay chính là ra đòn nhanh, hiểm, mạnh và khiến đối phương gục ngã càng nhanh càng tốt chính. Do đó, võ Muay Thái thiên về tấn công nhiều hơn phòng thủ, võ sĩ chỉ khống chế đòn tấn công chứ không né đòn. Yếu tố này góp phần làm nên sức mạnh và khả năng sát thương cao của võ Muay nhưng cũng là điểm yếu để khai thác vì khả năng phòng thủ của võ Muay còn khá yếu.
Một đặc điểm khác của võ Muay Thái chính là bộ môn võ này yêu cầu người tập cần phải sử dụng thành thạo các động tác như đánh cùi chỏ, di chuyển với tốc độ nhanh và khả năng vận dụng các đòn lên gối. Những động tác này thường sẽ là những động tác kết liễu đối phương bên cạnh các đòn chim mồi như đá và đấm với uy lực mạnh, đây là điểm hiếm thấy ở các bộ môn võ khác.
Muay Thái cũng là môn võ đầy khắc nghiệt
2. Lợi ích của Muay Thái
2.1. Đốt cháy mỡ thừa và calo hiệu quả
Muay Thái là một môn võ đòi hỏi người tập luyện cần phải vận động liên tục với các bài tập toàn thân cường độ cao, di chuyển nhanh và mạnh mẽ, từ đánh tay, đánh chân, đánh gối hoặc đánh khuỷu tay.
Mỗi buổi tập Muay Thái trong 1 giờ có thể giúp bạn đốt cháy từ 600 đến 1000 calo, tương đương với hơn 5 giờ chạy bộ, qua đó giúp giảm cân hiệu quả, đồng thời duy trì vóc dáng khỏe mạnh và săn chắc, đặc biệt là các vùng đùi và vùng hông.
2.2. Tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể
Muay Thái không chỉ yêu cầu người tập phải có sức mạnh, mà còn phải có sự dẻo dai và linh hoạt. Các kỹ thuật đánh chân hay đánh gối đều cần bạn phải có khả năng co giãn và uốn cong các khớp cơ một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, Muay Thái là bộ môn cần người tập phải di chuyển liên tục. Tập luyện Muay Thái sẽ giúp bạn tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể, hỗ trợ hạn chế các chấn thương hay đau nhức khi vận động, nâng cao sự nhạy bén.
Đốt cháy mỡ thừa và calo hiệu quả
2.3. Nâng cao khả năng tự vệ
Tương tự như các môn võ thuật khác, một trong những lợi ích của Muay Thái chính là góp phần nâng cao khả năng tự vệ của bản thân. Bạn có thể sử dụng các chi của mình để tấn công hay phòng thủ, tận dụng trong các tình huống đánh cận chiến đối kháng, tăng cường khả năng bảo vệ, sự tự tin và an toàn hơn cho bản thân khi trong tình thế bắt buộc.
2.4. Giảm lo lắng và căng thẳng
Khi bạn tập Muay Thái, bạn sẽ tập trung vào các kỹ thuật và chiến thuật của bản thân, không để ý đến những vấn đề hay phiền muộn khác bên ngoài. Khi tậy luyện sẽ giúp cơ thể sản sinh ra các hormone hạnh phúc như endorphin, từ đó làm bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn, vừa rèn luyện thân thể vừa rèn luyện tâm trí, giúp cải thiện tinh thần và xây dựng tính kỷ luật trong cảm xúc.
Giảm lo lắng và căng thẳng
2.5. Tăng cường sức khỏe tim mạch
Ít môn thể thao nào yêu cầu tim mạch hoạt động nhiều như Muay Thái. Khi bạn tập Muay Thái, tim của bạn sẽ phải bơm máu nhanh hơn để cung cấp oxy cho các cơ bắp nhằm duy trí các bài tập ở cường độ cao.
Điều này giúp tim của bạn sẽ trở nên khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ bị các bệnh tim hay huyết áp cao, cải thiện sức chịu đựng bản thân và nâng cao nhịp thở. Một số nghiên cứu cho thấy thực hiện bài tập Muay 150 phút mỗi tuần giúp cải thiện sức khỏe tim mạch của bạn.
2.6. Rèn luyện và vận động các nhóm cơ
Như đã trình bày tại phẩn trên, võ Muay Thái được gọi là "nghệ thuật của tám chi" khi sử dụng cả tay, chân, khuỷu tay và đầu gối để tấn công và phòng thủ. Rất ít có bộ môn võ thuật nào sử dụng nhiều bộ phận đến như vậy trong tấn công và phòng thủ. Do vậy, khi tập luyện Muay Thái sẽ giúp bạn tăng cường được sức mạnh và khối lượng cơ bắp, rèn luyện và vận động hầu hết các nhóm cơ, tăng cường tính linh hoạt cho bản thân.
Rèn luyện và vận động các nhóm cơ
3. 05 Kỹ thuật võ Muay Thái cơ bản
3.1. Kỹ thuật đấm thẳng
Đây là kỹ thuật tấn công bằng tay, sử dụng nắm đấm để đánh vào mặt, ngực hoặc bụng của đối thủ. Kỹ thuật này giúp bạn có thể gây ra nhiều tổn thương cho đối thủ cũng như mở ra các cơ hội để tấn công bằng các chi khác. Kỹ thuật đấm thẳng cần phải kết hợp hơi thở với từng cú đấm để tăng lực và giảm mệt mỏi.
Mô tả thao tác:
+ Đứng vững với chân trước hướng về phía đối thủ, chân sau hơi chéo ra sau và cong gối.
+ Giữ tay trước ở trước ngực, tay sau ở sau tai, lòng bàn tay hướng vào người.
+ Khi đấm, bạn xoay người và vai theo chiều của tay đấm, đẩy lực từ chân lên tay và đưa nắm đấm ra phía trước. Sau khi đấm, rút nhanh tay về vị trí ban đầu.
Kỹ thuật đấm thẳng
3.2. Kỹ thuật đá chân
Kỹ thuật đá chân là kỹ thuật cơ bản và mang tính đặc trưng của võ Muay. Kỹ thuật này sẽ tấn công bằng chân, sử dụng mu bàn chân hoặc gót chân để đánh vào các điểm nhạy cảm của đối thủ. Các đòn đá chân với lực mạnh sẽ giúp bạn gây ra nhiều tổn thương cho đối thủ, từ chấn thương cơ bắp, gãy xương cho đến knock-out.
Mô tả thao tác:
+ Đứng vững với chân trước hướng về phía đối thủ, chân sau chéo ra sau và cong gối.
+ Khi đá, bạn xoay người và hông theo chiều của chân đá, dùng lực từ hông và eo để quất chân thật mạnh lên cao và ra xa. Sau khi ra đòn, bạn rút nhanh chân về vị trí ban đầu.
+ Chú ý đến góc và hướng của chân đá, giữ vững chân trụ để tránh bị trượt hay bị quét hạ.
Kỹ thuật đá chân
3.3. Kỹ thuật lên gối trong
Kỹ thuật lên gối trong được sử dụng khi bạn ở vị trí áp sát đối thủ và muốn ra đòn để kết liễu đối phương. Kỹ thuật tấn công sử dụng đầu gối để đánh vào bụng, ngực hay mặt của đối thủ. Kỹ thuật này giúp bạn có thể gây ra nhiều tổn thương cho các cơ quan mềm, có thể kết hợp bật nhảy để tăng thêm sức mạnh.
Mô tả thao tác:
+ Tiếp cận gần đối thủ, bạn nắm lấy cổ bằng hai tay và kéo đối thủ xuống.
+ Khi lên gối, dùng lực từ hông và eo để quất đầu gối mạnh lên cao và về phía trước, dồn lực vào phần trung tâm đầu gối.
+ Sau khi lên gối, bạn thu đầu gối về vị trí ban đầu và vào tư thế phòng thủ.
Kỹ thuật lên gối trong
3.4. Kỹ thuật cùi chỏ trong
Đòn đánh cùi chỏ không chỉ là một đòn đánh tự vệ mà còn được xem là một trong những đòn đánh có tính sát thương cao. Đây là kỹ thuật tấn công bằng khuỷu tay, sử dụng cùi chỏ để đánh vào các điểm nhạy cảm của đối thủ như mặt, ngực và cổ. Kỹ thuật cùi chỏ trong là một kỹ thuật khá nguy hiểm vì có thể gây ra các chấn thương nghiêm trọng.
Mô tả thao tác:
+ Tiếp cận gần đối thủ, đứng vững với chân trước hướng về phía đối thủ.
+ Xoay người và vai theo chiều của tay cùi chỏ, dùng lực từ hông và vai để quất khuỷu tay hướng thẳng ra phía trước.
+ Bạn lưu ý gập cánh tay lại để dồn phần lực vào đầu nhọn của khuỷu tay.
Kỹ thuật cùi chỏ trong
3.5. Kỹ thuật Clinch
Kỹ thuật Clinch là kỹ thuật khóa cổ đặc trưng của Muay Thái, đòn đánh sử dụng hai tay để nắm lấy cổ của đối thủ và sử dụng các chi khác để tấn công vào cơ thể. Kỹ thuật này giúp bạn có thể kiểm soát khoảng cách và thế trận của trận đấu, cũng như gây ra nhiều tổn thương cho đối thủ bằng các cú đánh gối hay khuỷu tay.
Mô tả thao tác:
+ Đứng gần đối thủ, nắm lấy cổ của đối thủ và kéo xuống.
+ Sử dụng hai cánh tay để kẹp vào đầu đối thủ, dùng lực từ vai và tay để xoay người và đẩy đối thủ xuống đất.
+ Sau khi khóa cổ, sử dụng các chi khác để tấn công như lên gối hoặc thúc khuỷu tay.
Kỹ thuật Clinch
4. Luật thi đấu Muay Thái
Kể từ khi được phát triển thành môn thể thao có tổ chức quy củ, Muay Thái đã được xem xét và ban hành bộ khung luật thi đấu tiêu chuẩn. Nhìn chung, luật thi đấu Muay Thái dựa trên luật của bộ môn quyền Anh tuy nhiên cũng có khá nhiều sự thay đổi đáng chú ý do thể thức đối kháng khác nhau.
Một số điều lệ và quy định cơ bản trong 1 trận đấu Muay Thái đạt chuẩn như sau:
+ Trận đấu Muay Thái diễn ra trong một sàn đấu hình vuông được gọi là ring, chiều dài các cạnh là 7 mét.
+ Các võ sĩ sẽ thi đấu ở cùng một cấp độ kỹ năng và hạng cân giống nhau hoặc tương tự. Hạng cân được xác định trước trận đấu và không được vượt quá giới hạn. Trước mỗi trận đấu, hai đối thủ sẽ thực hiện một điệu nhảy truyền thống để chào sân và tri ân người hướng dẫn.
+ Các trận đấu Muay Thái bao gồm năm hiệp 3 phút với 2 phút nghỉ giữa các hiệp. Một số cuộc thi có thể rút ngắn thành ba hiệp 3 phút. Mỗi hiệp đấu được tính 10 điểm. Người chiến thắng trong vòng nhận được 10 điểm và người thua cuộc nhận được 9, 8 hoặc 7 dựa trên thành tích của họ.
Võ sĩ thắng knock-out nếu hạ gục đối thủ
+ Khi trận đấu bắt đầu, cả hai võ sĩ có thể tấn công bằng tay, chân, khuỷu tay và đầu gối. Các kỹ thuật bó tay, quét chân, bắt chân và ném đối thủ cũng được cho phép. Các vùng cơ thể bị cấm tấn công là đầu và hạ bộ. Các hành vi bị cấm là cắn, khoét mắt và cố ý đánh vào vùng háng.
+ Điểm sẽ được tính dựa trên thành tích của một võ sĩ theo các tiêu chí gồm khả năng gây sát thương, kỹ thuật hiệu quả, khả năng chống cự và tư duy chiến thuật. Các đòn trúng mục tiêu và tạo ra sự kiểm soát tốt sẽ được đánh giá cao.
+ Võ sĩ thắng knock-out nếu hạ gục đối thủ hoặc nếu chưa bên nào gục sau thời gian thi đấu sẽ tính bên nào cao điểm hơn sẽ thắng.
+ Trọng tài có quyền dừng cuộc đấu vì cho rằng võ sĩ không đủ khả năng kết thúc trận đấu (TKO). Trọng tài cũng có quyền phạt võ sĩ vi phạm luật lệ và ngừng trận đấu nếu cần thiết.
Trọng tài có quyền dừng cuộc đấu
5. Truyền thống trước khi thi đấu Muay Thái
Bộ môn Muay Thái có một truyền thống rất đặc biệt tại trước mỗi trận đấu Muay. Truyền thống này là một phần quan trọng của môn võ Muay Thái, chúng biểu thị cho sự tôn trọng, tâm linh và văn hóa của người Thái Lan. Trước khi vào cuộc đấu, các võ sĩ sẽ cúi mình hướng về nơi chào đời, nghi thức này được gọi là Ram. Đây là cách để võ sĩ bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ và tổ tiên.
Sau đó, họ sẽ nhảy và quay theo bốn hướng, để tỏ lòng tôn kính lên các bậc tổ sư của môn võ, những người thầy đức cao vọng trọng và cả các thần linh chốn võ đài. Điệu nhảy này được gọi là Wai kru (chào thầy) hay Ram muay (múa võ).
Nghi lễ nhảy múa này cũng là một cách để võ sĩ gây ấn tượng với khán giả và đối thủ bằng cách thể hiện phong cách và kỹ thuật riêng của mình. Mỗi võ sĩ sẽ có một điệu nhảy khác nhau, tuỳ thuộc vào trường phái và người huấn luyện của họ.
Truyền thống trước khi thi đấu Muay Thái
Trong khi thực hiện nghi lễ, các võ sĩ sẽ đeo mongkhon (vòng đầu) và pra jiad (vải quấn cánh tay) để biểu thị sự tôn trọng và bảo vệ. Mongkhon là biểu tượng của may mắn và danh dự, được ban cho võ sĩ khi họ hoàn thành khóa huấn luyện thành công. Pra jiad là biểu tượng của sức mạnh và can đảm, được làm từ vải hoặc da có màu sắc khác nhau.
Sau khi kết thúc nghi lễ, các võ sĩ sẽ cởi mongkhon ra và giao cho người huấn luyện hoặc người thân. Họ cũng sẽ chào nhau bằng cách chạm trán và nói “Sawadee” (xin chào). Sau đó, hai bên sẽ nghe hướng dẫn từ trọng tài và sẵn sàng bước vào cuộc đấu Muay Thái.
Võ sĩ chào nhau bằng cách chạm trán và nói “Sawadee”
6. Một số võ sĩ Muay Thái nổi tiếng
6.1. Võ sĩ Muay Thái của Việt Nam
Bộ môn Muay Thái được cho rằng đã du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 1950. Trong hơn 10 năm gần đây, Muay Thái đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và tạo ra nhiều võ sĩ nổi tiếng cho Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Dưới đây là bảng tổng hợp thông tin một số võ sĩ Muay Thái hàng đầu Việt Nam:
Tên võ sĩ |
Năm sinh |
Hạng cân |
Thành tích nổi bật |
Nguyễn Trần Duy Nhất (nam) |
1989 |
60kg |
+ 7 HCV World Muay Thai Federation hệ B + 2 HCV Asian Beach Games + HCV Asian Indoor Games + HCB và HCĐ SEA Games + HCĐ IFMA Thế giới. |
Bùi Yến Ly (nữ) |
1995 |
54kg |
+ 2 HCV SEA Games + 4 HCV Thế giới IFMA + HCV World Games + 2 HCV Asian Beach Games |
Nguyễn Kế Nhơn (nam) |
1988 |
51kg |
+ 11 HCV quốc gia + HCĐ SEA Games + HCĐ Thế giới IFMA |
Võ Văn Đài (nam) |
1994 |
63.5kg |
+ HCB và HCĐ SEA Games + HCĐ Thế giới IFMA |
Các võ sĩ Muay Thái của Việt Nam
6.2. Võ sĩ Muay Thái trên thế giới
Kể từ khi các giải đấu toàn cầu về Muay Thái được tổ chức, rất nhiều hiệp hội của môn võ này đã ra đời nhằm công nhận các võ sĩ thành công. Bài viết tổng hợp một số võ sĩ Muay Thái nổi tiếng trên thế giới dựa theo thành tích thi đấu được ghi nhận bởi Liên đoàn MuayThai Quốc tế (IFMA), Hội đồng Muay Thái Thế giới (WMC) và Liên đoàn MuayThai Thế giới (WMTA).
Tên võ sĩ |
Năm sinh |
Quốc gia |
Thành tích nổi bật |
Buakaw Banchamek |
1982 |
Thái Lan |
+ 2 HCV K-1 World MAX + HCV S-Cup + HCV Kunlun Fight + HCV WMC + HCV WBC Muay Thai |
Saenchai Sor. Kingstar |
1980 |
Thái Lan |
+ 8 HCV Lumpinee Stadium + 3 HCV WMC + 2 HCV WBC Muay Thai + HCV Lion Fight |
Yodsanklai Fairtex |
1985 |
Thái Lan |
+ HCV WBC Muay Thai + HCV WMC + HCV Lion Fight |
Ramon Dekkers |
1969 |
Hà Lan |
+ 8 HCV Muay Thái và Kickboxing + Được công nhận là võ sĩ phương Tây thành công nhất trong Muay Thái |
Các võ sĩ Muay Thái của trên thế giới
Xem thêm:
Boxing là gì? 04 Kỹ thuật cơ bản trong boxing
Kickboxing là gì? Tìm hiểu cơ bản về môn võ này
Học boxing ở đâu? 10 lớp học boxing HCM uy tín nhất
Bài viết đã giới thiệu đến bạn thông tin về võ Muay Thái là gì cũng như những tìm hiểu về môn võ thực chiến đầy sức mạnh. Hy vọng bạn đã nắm được các nội dung bổ ích từ bài viết. Hãy theo dõi CoolBlog để cập nhật thường xuyên những chia sẻ cũng như các thông tin bổ ích về thời trang hằng tuần nhé.
Coolmate - Nơi mua sắm đáng tin cậy dành cho nam giới